Dư luận quốc tế về diễn biến trên biển Đông

Cuộc tranh cãi pháp lý?
Dư luận quốc tế về diễn biến trên biển Đông

Ngày 20-6 tới, Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ sẽ tổ chức hội thảo về an ninh hàng hải ở biển Đông. Hội nghị sẽ đánh giá về lợi ích và vị trí của các bên tại biển Đông, cập nhật các diễn biến trong khu vực, đánh giá hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế về an ninh hàng hải hiện nay tại biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh tại khu vực này.

Một trong nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: C.T.V.

Một trong nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: C.T.V.

Cuộc tranh cãi pháp lý?

Dự kiến, sẽ có khoảng 80 quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia, học giả và nhà báo được mời tới dự hội nghị diễn ra ở Washington. Hội thảo của CSIS diễn ra trước Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tháng 7 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào tháng 10 tại Indonesia.

Liên quan đến cuộc tranh chấp trên biển Đông, “Tạp chí Á - Âu” đã đăng bài phân tích của Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, giáo sư tại Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đồng thời là chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang.

Tác giả cho rằng cuộc tranh cãi về quyền khai thác tài nguyên quanh quần đảo Trường Sa đã biến thành một cuộc tranh cãi pháp lý. Vấn đề đặt ra là đối tượng tranh chấp là “hòn đảo” hay chỉ là “bãi đá”? Bởi “hòn đảo” thì được hưởng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, nhưng “bãi đá” thì không.

Công hàm ngoại giao tháng 4-2011 do Philippines và Trung Quốc nộp lên Tổng Thư ký LHQ đã đặt nền móng cho một vụ tranh chấp giữa một số nước thuộc ASEAN (Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia), Trung Quốc, liên quan đến chủ quyền pháp lý đối với các bãi đá tạo thành quần đảo Trường Sa.

Vấn đề quan trọng nhất được đưa ra: Nước nào có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong và dưới các vùng biển xung quanh quần đảo này? Mặc dù đối tượng tranh chấp cuối cùng là tài nguyên thiên nhiên, nhưng cuộc tranh chấp này được dựng lên như một cuộc tranh cãi pháp lý về nhận thức đối với Điều 121 Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Điều 121 quy định rằng một hòn đảo, được định nghĩa là “một khu vực đất tự nhiên nhô lên trên mặt nước khi thủy triều lên” - về nguyên tắc có thể tạo ra các vùng lãnh hải giống như đất liền. Chúng bao gồm vùng lãnh hải trong bán kính 12 hải lý, EEZ trong bán kính 200 hải lý và một thềm lục địa.

Giáo sư Robert Beckman cho biết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức là trước đây nước này đã có quan điểm thế nào là đảo và thế nào là bãi đá. Trong các cuộc tranh luận tại LHQ liên quan đến cuộc tranh chấp giữa nước này với Nhật Bản về chủ quyền đảo Okinotorishima, Trung Quốc lập luận rằng các đảo nhỏ, ở xa, không có người ở, không được trao vùng EEZ hay thềm lục địa. Các quốc gia ASEAN có thể sẽ nói rằng lập luận này của Trung Quốc cũng nên áp dụng đối với các đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa (đối với quan niệm đường lưỡi bò của Trung Quốc, đảo nhỏ, ở xa, không có người ở thì nước này cũng xem đây là các đảo thường để được trao EEZ hay thềm lục địa - PV).

Cần thực hiện DOC

Trong cuộc phỏng vấn với Đài Australia xung quanh vấn đề biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam cho rằng, Trung Quốc đã thực hiện những hành động khiến tình hình biển Đông trở nên căng thẳng. Năm 2010, ASEAN và Trung Quốc đã xét duyệt Nhóm Công tác hỗn hợp để thực thi bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc” (DOC). Mặc dù DOC đã được Trung Quốc và ASEAN ký hồi năm 2002, nhưng văn kiện này chưa được thi hành. ASEAN đang hối thúc Trung Quốc tạo thêm điều kiện để bản quy tắc ứng xử có hiệu lực hơn. Việt Nam phải cùng với Philippines và những quốc gia duyên hải khác hối thúc Trung Quốc thực hiện thêm các biện pháp để vấn đề này tiến triển. Điều mà ASEAN có thể làm là cố tìm ra được những động thái hành xử mà các bên liên quan có thể chấp nhận được và đưa ra những biện pháp để xây dựng niềm tin. Cuộc xung đột về lãnh thổ và chủ quyền chỉ có thể được giải quyết bởi các quốc gia có liên quan trực tiếp hoặc với sự đồng ý của những nước này và nhờ quốc tế làm trọng tài phân xử.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục