G7 tìm cách vượt khó

Hôm nay 9-9, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại thành phố Marseille, Pháp, để tìm lối ra cho kinh tế thế giới, nhất là kinh tế EU và Mỹ.
G7 tìm cách vượt khó

Hôm nay 9-9, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại thành phố Marseille, Pháp, để tìm lối ra cho kinh tế thế giới, nhất là kinh tế EU và Mỹ.

  • Các ông lớn trông cậy vào nhau

Tham dự cuộc họp nói trên còn có Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho rằng cuộc họp hai ngày này sẽ tìm ra đối sách phối hợp để đẩy mạnh tăng trưởng, tạo thêm việc làm và trả nợ công.

Cuộc họp này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn văn quan trọng về khả năng suy thoái kép của nền kinh tế Mỹ. Washington dự kiến bơm thêm 300 tỷ USD kích thích nền kinh tế, trong đó kích thích xây dựng cơ sở hạ tầng và trợ giúp tài chính chính quyền các bang.

Ngoài Mỹ, các nước thành viên EU cũng đang tiếp tục chống chọi với nhiều khó khăn về kinh tế. Hàng ngàn người tại Tây Ban Nha đã xuống đường chống lại kế hoạch thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Chính phủ Italia cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội kế hoạch siết chặt chi tiêu trong bối cảnh người biểu tình tràn ngập đường phố.

Trong khi đó, Hy Lạp cũng đang vất vả đáp ứng các điều kiện vay vốn của IMF và EU trong bối cảnh người dân nước này tỏ ra bất bình với hàng loạt cắt giảm an sinh xã hội và tiền lương.

Người dân Hy Lạp đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng.

Người dân Hy Lạp đụng độ với cảnh sát trong các cuộc biểu tình chống chính sách thắt lưng buộc bụng.

Nếu như châu Âu gặp khó khăn kinh tế thì Mỹ khó khăn ở kinh tế lẫn chính trị khi Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số không đồng ý với các chính sách kích thích kinh tế của Nhà Trắng.

Theo Reuters, các quan chức Mỹ giờ đây quay sang hối thúc EU sớm giải quyết các khó khăn của họ để giúp kinh tế thế giới không rơi vào suy thoái lần thứ hai kể từ năm 2008. Mỹ cũng thúc giục Nhật Bản kích thích tăng trưởng thông qua các hoạt động tái thiết sau thảm họa động đất và sóng thần. Tuy nhiên, EU và Nhật Bản cho rằng Mỹ nên nhanh chóng tung gói kích thích kinh tế hơn là trông chờ vào họ.

  • Đức nặng nợ với EU

Trong bối cảnh hàng loạt nước trong EU gặp khủng hoảng nợ, mọi con mắt đổ dồn về phía Đức, nước có nền kinh tế lớn nhất trong EU. Tòa án Hiến pháp Đức đã bật đèn xanh để chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel có thể tung tiền ra giúp các nền kinh tế trong khối. Tuy nhiên, khi chi tiền cho các khoản cho vay khẩn cấp, Chính phủ Đức buộc phải thông qua Quốc hội. Người dân Đức vẫn chưa sẵn sàng để chính phủ mang tiền thuế cứu giúp các con nợ như Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha… Đức sẽ là nước đóng góp nhiều nhất, với 211 tỷ EUR vào quỹ 440 tỷ EUR.

Quỹ cứu nguy khẩn cấp của EU với tên gọi là Quỹ bình ổn tài chính châu Âu, được thành lập vào tháng 5-2010 nhằm cung cấp các khoản cứu nguy tài chính cho các nước lún sâu vào nợ nần trong khu vực sử dụng đồng tiền chung (eurozone). Nhiều nhà kinh tế Đức đã phản đối việc thành lập quỹ cứu nguy khẩn cấp và cho rằng nếu quỹ này không được tạo lập, khu vực đồng euro không có cuộc khủng hoảng như hiện nay và Hy Lạp đã tự phục hồi được. Nước này sẽ tự phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh hơn.

Gánh nặng trang trải nợ của Đức thể hiện qua chính trường trong nước. Trong cuộc bầu cử cấp bang vừa qua, Liên minh đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo của Thủ tướng Merkel đã mất hơn 30% phiếu bầu. Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng tương lai của nước Đức không thể tách rời khỏi tương lai của đồng euro.

Ngoài Đức ra, Pháp cũng thuộc nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro nhưng kinh tế nước này cũng không khá giả nên chuyện cứu các nước khác càng xa vời. Quốc hội Pháp đang biểu quyết những biện pháp để cắt giảm thâm thủng ngân sách. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng của khu vực đồng euro đã chậm lại trong quý 2-2011, chỉ đạt 0,2%. 

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục