Hội nghị thượng đỉnh EU: Chậm chạp leo dốc thoát khủng hoảng

Rất gần với lối thoát khủng hoảng?
Hội nghị thượng đỉnh EU: Chậm chạp leo dốc thoát khủng hoảng

Trong 2 ngày 18 và 19-10, lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tập trung ở Brussels dự hội nghị thượng đỉnh với trọng tâm là ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công lan sang các nước khác.

Sinh viên Tây Ban Nha biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục.

Sinh viên Tây Ban Nha biểu tình chống cắt giảm ngân sách giáo dục.

Rất gần với lối thoát khủng hoảng?

Cuộc họp của EU diễn ra trong bối cảnh Tây Ban Nha đang đề xuất một khoản vay để tránh khủng hoảng. AFP dẫn lời một nhà ngoại giao EU cho biết Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy có thể sử dụng hội nghị thượng đỉnh để “làm cho rõ ràng các điều kiện” mà Tây Ban Nha phải thực hiện để nhận được cứu trợ. Madrid sẽ nhận khoản vay từ Cơ chế ổn định châu Âu (ESM), một tổ chức mới thành lập, đồng thời cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp vào thị trường nợ của mình. Đổi lại Madrid không phải chịu mức lãi suất quá cao.

Cuộc họp cũng sẽ xem xét các mối quan hệ với Trung Quốc và thảo luận về các điểm nóng Syria, Iran và Mali. “Chúng tôi đang ở gần, rất gần với lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng”, Tổng thống Pháp Francois Hollande tự tin về tương lai của EU. Ông khẳng định “trách nhiệm” của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) và EU là thực hiện nhanh chóng những gì đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6.

Trong khi đó, gói cứu trợ cho Hy Lạp tạm dừng tới nay vẫn chưa thể tiếp tục vì Hy Lạp và các chủ nợ chưa thống nhất được các điều khoản vay mới, nhất là việc Hy Lạp muốn kéo dài thời hạn trả nợ và giảm bớt các điều kiện ngặt nghèo. Nếu bầu không khí của cuộc khủng hoảng nợ bớt căng thẳng đôi chút thì EU vẫn còn đối mặt với một cơn suy thoái kinh tế và tình trạng bất ổn xã hội sâu sắc.

Bên cạnh đó là sự chia rẽ giữa các cường quốc về cách thức đảm bảo đồng euro có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng nợ. Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giám sát các chính sách tài chính, trong đó có khả năng các nước thành viên EU phải nộp dự toán ngân sách lên Brussels. Đức cũng mong muốn thay đổi cơ sở hiệp ước EU để tăng cường vai trò của ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ.

Thế nhưng, đề xuất này gặp phản đối mạnh mẽ từ các quốc gia như Pháp và các nước nằm ngoài eurozone như Anh. Những nước này không muốn tăng thêm quyền lực tài chính cho trụ sở EU ở Brussels, nhất là vấn đề đánh thuế các nước thành viên.

Những khó khăn còn lại

Tây Ban Nha có thể là nước đầu tiên của EU nhận khoản vay trực tiếp từ ESM. Tuy nhiên, việc ESM thay thế vai trò của ECB vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong các thành viên EU. 17 nước thành viên eurozone đồng ý với ESM nhưng các thành viên ngoài eurozone thì phản đối vì sợ các ngân hàng vốn hoạt động khá tự do từ trước tới nay của họ sẽ phải theo các quy định mới quá chặt chẽ của ESM. Anh là nước phản đối nhiều nhất vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu của London, một trong các trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp bùng phát từ năm 2009 tới nay, đây là cuộc họp thượng đỉnh thứ 22 của EU và thứ tư trong năm, nhưng theo Reuters, hầu như sẽ không có bước đột phá nào ngoại trừ việc loay hoay thực hiện những đề xuất đã có từ tháng 6. Ngoài vấn đề ESM, việc thành lập liên minh ngân hàng và cơ quan giám sát ngân hàng chung cho EU đặt dưới sự kiểm soát của ECB vẫn chưa tiến triển.

Các nhà lãnh đạo EU hiện đang bị kẹt giữa hai bài toán khó. Thứ nhất là xử lý cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Síp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Thứ hai là bài toán dài hạn tái cấu trúc nền tài chính EU để tránh tái diễn các cuộc khủng hoảng nợ công trong tương lai. Cả hai bài toán này đều cấp bách và là công việc khó khăn thực sự cho EU.

Khánh Minh tổng hợp

Tin cùng chuyên mục