Indonesia xây cầu vượt biển nối đảo Java và Sumatra

Trong khuôn khổ Kế hoạch phát triển dài hạn mở rộng và đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Indonesia đã lập kế hoạch xây dựng cây cầu qua eo biển Sunda, nối giữa đảo Java và đảo Sumatra. Tổng vốn đầu tư dự kiến vào khoảng 27,8 tỷ USD. Toàn bộ vốn đầu tư sẽ được huy động từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó Nhật Bản cho biết có thể hỗ trợ tới 50% tổng vốn đầu tư.

Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành sau 10 năm và cây cầu này sẽ trở thành chiếc cầu bắc qua biển dài nhất Indonesia, nối hai hòn đảo đông dân nhất nước này với trên 80% trong tổng dân số 240 triệu của cả nước và đóng góp tới 70% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

P.NAM

  • Syria mất nhiều hiện vật khảo cổ trị giá 2 tỷ USD

Theo hãng tin SANA của Syria, một nhóm chuyên buôn lậu đã lợi dụng bất ổn chính trị của Syria để đột nhập vào các khu di tích, đánh cắp nhiều hiện vật quý của nước này. Ước tính, các hiện vật bị đánh cắp có giá trị lên đến 2 tỷ USD. Trong số các tài sản bị đánh cắp, nhiều hiện vật có niên đại hơn 6.000 năm. Các hiện vật này bị cướp từ các Viện bảo tàng của Syria.

N.QUỲNH

  • 12 triệu USD cho thông tin về 2 nhân vật nghi tài trợ Al-Qaeda

Hãng tin CNN đưa tin Chính phủ Mỹ đã treo giải thưởng 12 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về nơi trú ẩn của 2 nhân vật bị nghi tài trợ cho Al-Qaeda là Muhsin al-Fadhli và Adel Radi Saqr al-Wahabi al-Harbi, hiện sống ở Iran.

Theo đặc nhiệm Mỹ, các đối tượng này là những nhân vật then chốt trong việc chuyển tiền từ Iran đến Iraq và Afghanistan cho các phần tử cực đoan cũng như đưa chiến binh và tiền qua đường Thổ Nhĩ Kỳ để hậu thuẫn các phần tử có liên quan tới Al-Qaeda ở Syria. Al-Fadhli là một thành viên của Al-Qaeda, từng bị Mỹ áp đặt một số biện pháp trừng phạt vào tháng 2-2005 vì ủng hộ al-Zarqawi, phó tướng của Osama Bin Laden khi còn sống.

Đ.CAO

  • Kinh tế thế giới mất 17.000 tỷ EUR nếu…

Tổ chức Bertelsmann Foundation có trụ ở Berlin, Đức vừa gióng lên hồi chuông báo động về một kịch bản “ác mộng” nếu Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sẽ khiến kinh tế thế giới mất tới 17.000 tỷ EUR.

Báo cáo trên khẳng định kịch bản này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một cuộc suy thoái kéo dài trên khắp thế giới trải rộng từ Mỹ tới Trung Quốc và kéo theo những biến động lớn đối với cơ cấu xã hội và sự ổn định chính trị tại các nước từ bỏ eurozone. Báo cáo cảnh báo hiệu ứng domino là hậu quả không thể tránh khỏi nếu Hy Lạp rút khỏi eurozone, kéo theo sự vỡ nợ đối với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cuối cùng là Italia.

V.CAO

Tin cùng chuyên mục