LHQ dự báo kinh tế toàn cầu: Nguy cơ suy thoái mới

Yếu kém tại các nước phát triển là nguyên nhân chủ yếu
LHQ dự báo kinh tế toàn cầu: Nguy cơ suy thoái mới

LHQ vừa công bố báo cáo mới về kinh tế thế giới, trong đó nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã yếu đi đáng kể trong năm 2012 và dự báo vẫn tăng trưởng chậm trong 2 năm tới, thậm chí có thể rơi vào đợt suy thoái mới nếu không thay đổi chính sách tài khóa và kích thích tăng trưởng.

Đông Á - Thái Bình Dương cần cảnh giác trước nguồn vốn giá rẻ.

Đông Á - Thái Bình Dương cần cảnh giác trước nguồn vốn giá rẻ.

Yếu kém tại các nước phát triển là nguyên nhân chủ yếu

Báo cáo với nhan đề “Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2013” dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,4% năm 2013 và 3,2% năm 2014, giảm đáng kể so với dự báo đưa ra cách đây một năm. Tốc độ tăng trưởng như vậy không đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm mà nhiều nước đang đối mặt hiện nay. Với chính sách và xu hướng tăng trưởng này, có thể phải mất ít nhất 5 năm nữa Mỹ và châu Âu mới có thể bù đắp lại số việc làm đã mất trong cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế 2008 - 2009.

Báo cáo ghi nhận những yếu kém tại các nền kinh tế phát triển trở thành nguyên nhân chủ yếu gây suy giảm kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế phát triển, nhất là một số nước châu Âu, đang rơi vào vòng xoáy thất nghiệp cao, rủi ro tài chính, nợ công cao, thắt chặt tài khóa nên tăng trưởng chậm lại. Ông Rob Vos, Giám đốc bộ phận phân tích và chính sách phát triển của DESA đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu, cảnh báo nếu khủng hoảng ở khu vực eurozone xấu hơn, Mỹ không vượt qua vách đá tài chính và Trung Quốc hạ cánh cứng, khi đó kinh tế toàn cầu có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới. Khẳng định chính sách hiện nay chưa đủ, kêu gọi các nước cần thay đổi chính sách tài khóa, chuyển từ tập trung củng cố tài khóa ngắn hạn sang kích thích tăng trưởng, đồng thời thực hiện tài khóa bền vững trong trung và dài hạn.

Bong bóng tài sản

Báo cáo cũng khuyến nghị các chính sách tiền tệ cần được phối hợp tốt hơn và các biện pháp cải cách ngành tài chính cần được thúc đẩy để ngăn chặn những rủi ro tỷ giá và thay đổi đột ngột dòng tiền. Những khó khăn kinh tế ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ (nhóm G3) đã và đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế đang phát triển do nhu cầu yếu và thay đổi đột ngột dòng vốn.

Ngày 19-12, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo chính sách nới lỏng tiền tệ ở các nước G3 có thể gây nhiều tác hại hơn là có lợi cho khu vực, như dẫn đến tăng trưởng tín dụng quá mức và tạo ra bong bóng tài sản ở Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) khi giới đầu tư đổ xô vào khu vực này. Hàng tấn tiền có thể làm tỷ giá hối đoái không còn tính cạnh tranh, dẫn đến bong bóng giá tài sản và tín dụng tăng trưởng quá mức, làm tăng nguy cơ bất ổn của các dòng chảy tiền tệ trong tương lai.

Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đã liên tục thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ như giảm lãi suất và tăng cung tiền tệ để kích cầu các nền kinh tế đang suy giảm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư ở nhóm nước này đang chuyển hướng đầu tư sang các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á với nhu cầu trong nước mạnh và khả năng phục hồi kinh tế mạnh mẽ bất chấp nền kinh tế toàn cầu mong manh.

Tuy nhiên, mới đây Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) cho biết hiện tại, bất chấp sự suy yếu trong triển vọng kinh tế toàn cầu, giá trị tài sản và thu nhập cố định lại tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đây được coi là điều khá bất thường. Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới giai đoạn 2006-2008, thời điểm các nguồn vốn giá rẻ tràn ngập khắp thế giới dẫn tới tình trạng dư thừa tiết kiệm và đẩy lãi suất trái phiếu lên cao quá mức, đồng thời khiến các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đưa ra quyết định sai lầm là mua nợ của Hy Lạp và Iceland - hai trong số các loại tài sản bị định giá sai.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục