Nga dồn lực chuyển sang nền kinh tế tự do mới

Những vấn đề thời sự nóng
Nga dồn lực chuyển sang nền kinh tế tự do mới

Hôm nay, 27-4, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga dự kiến nhóm họp để phê chuẩn dự luật vừa được Hạ viện thông qua, theo đó người đứng đầu các chủ thể của Liên bang Nga (thống đốc khu vực) được cử tri bầu chọn trên cơ sở quyền phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bình đẳng thông qua bỏ phiếu kín. Đây là một trong những cải cách chính trị trong chính phủ mới của bộ đôi Putin-Medvedev. Cùng với sự thay đổi về chính trị, những chính sách kinh tế, xã hội vừa được công bố cũng cho thấy quyết tâm thay đổi bộ mặt nước Nga mới.

Tổng thống mới đắc cử V.Putin đến thăm một nhà máy sản xuất toa xe lửa.

Tổng thống mới đắc cử V.Putin đến thăm một nhà máy sản xuất toa xe lửa.

Những vấn đề thời sự nóng

Ngày 26-4, trong gần 2 giờ trả lời phỏng vấn trực tiếp lãnh đạo 5 kênh truyền hình chủ chốt ở Nga, Tổng thống Dmitry Medvedev đã đề cập những vấn đề thời sự “nóng” đang đặt ra đối với nước Nga. Bên cạnh những kết quả đạt được trong 4 năm qua, Tổng thống Medvedev nêu rõ những phương hướng chủ yếu khác trong hoạt động của nội các mới sẽ là tiếp tục cải cách hệ thống chính trị, thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được công bố, giảm bớt tình trạng nghèo khó và thất nghiệp, cải thiện bầu không khí đầu tư...

Trước đó, ông nêu 7 tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của chính phủ mới, trong đó tiêu chuẩn cơ bản nhất là nâng cao tuổi thọ của dân chúng để đạt mức trung bình 75 tuổi vào năm 2018. 6 tiêu chuẩn khác gồm: Tỷ lệ các gia đình có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu sau 5 năm giảm xuống dưới 10%, tạo ít nhất 25 triệu việc làm hiệu quả và tỷ lệ thất nghiệp hạn chế dưới 5%, có ít nhất 5 trường đại học lọt vào tốp 100 trường đại học hàng đầu thế giới, đa số các gia đình cải thiện điều kiện ở sau 15 năm, lọt vào tốp 10 nước về áp dụng công nghệ điện tử trong tất cả các lĩnh vực xã hội.

Chính sách kinh tế tự do mới

Củng cố quan điểm trên, báo Moscowtimes của Nga ngày 24-4 nhận định: “một chính sách kinh tế mới đang được hình thành”. Theo báo này, trong bài phát biểu cuối cùng trên cương vị thủ tướng Nga trước khi nhậm chức Tổng thống, ông Vladimir Putin đã đề ra 3 trụ cột của nền kinh tế mới tiếp tục được theo đuổi là chính sách kinh tế vĩ mô vững chắc, hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách cơ cấu phong phú nhằm xây dựng một nền kinh tế mới.

Theo giới quan sát, đối với vấn đề quan trọng nhất của Nga hiện nay là nạn tham nhũng, Tổng thống tương lai V.Putin đang nghiêm túc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Ông cam kết một gói luật lệ mới, bãi bỏ những thủ tục quan liêu và hứa sẽ đưa nước Nga từ vị trí 120 lên 20 trong chỉ số môi trường đầu tư thuận lợi do Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng. Ông cũng thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử và cam kết cắt giảm hơn 100.000 việc làm trong các cơ quan công quyền.

Một trong những cam kết chống tham nhũng khác của ông Putin là công khai hồ sơ đấu thầu, bao gồm cả các công ty nước ngoài, để tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh hơn. Tăng cường kiểm toán các công ty nhà nước và xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng, một trong những mục tiêu từng thất bại do tham nhũng. Tốc độ chuyển tiếp sang một nền kinh tế mới, hiện đại hơn của Nga có vẻ như đang được tăng tốc.

Tổng thống Medvedev cho rằng từ khi Liên Xô còn tồn tại cho đến nay, quan hệ với Mỹ chưa bao giờ “mang tính chất lý tưởng”, mặc dù thời gian gần đây đã được tái khởi động và cải thiện. Giữa hai bên còn tồn tại nhiều vấn đề, trước hết liên quan đến sự khác biệt trong đánh giá về kế hoạch của Washington nhằm bố trí “lá chắn tên lửa” tại châu Âu và nhiều khu vực trên thế giới.

Tổng thống Medvedev đánh giá quan hệ Nga-Belarus mang tính đồng minh chiến lược lịch sử và quan hệ Nga-Ukraine đang được cải thiện dần. Ông hy vọng quan hệ Nga với các nước láng giềng khác, trong đó có Gruzia và các nước Baltic (gồm Látvia, Lítva và Estonia) sẽ được khôi phục trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác và đối tác cùng có lợi.

Về khả năng Nga sẽ cho phép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trung chuyển quá cảnh từ Afghanistan qua thành phố Ulyanovsk sang Tây Âu, Tổng thống Medvedev nhấn mạnh tại thành phố này của Nga sẽ không có căn cứ và binh lính NATO, và do quan tâm đến việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Afghanistan nên Nga đồng ý hợp tác với NATO trong một số lĩnh vực, kể cả khả năng mở trung tâm vận tải quá cảnh tại Ulyanovsk.

Hạnh Chi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục