Khóa họp 67 Đại hội đồng LHQ - Bàn những vấn đề nóng của thế giới

An ninh lương thực - nỗi lo toàn cầu
Khóa họp 67 Đại hội đồng LHQ - Bàn những vấn đề nóng của thế giới

Tại khóa họp lần thứ 67 của Đại hội đồng LHQ đang diễn ra tại New York, Mỹ, an ninh lương thực, xung đột, chiến tranh, biến đổi khí hậu - những vấn đề sống còn đối với toàn cầu được dự báo sẽ trở thành những đề tài được bàn thảo nhiều nhất, trong bối cảnh thế giới đang có những biến động không ngừng về chính trị, xã hội, kinh tế.

Xung đột tại Syria buộc nhiều người dân phải lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Xung đột tại Syria buộc nhiều người dân phải lánh nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

An ninh lương thực - nỗi lo toàn cầu

Theo hãng tin AFP, phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng nhân loại đang phải chứng kiến sự bất bình đẳng, thái độ không khoan dung, đối xử bất công và cuộc sống thiếu an ninh... đang ngày một gia tăng.

Ông Ban Ki-moon lên án nhiều chính phủ lại đang lạm chi vào việc mua sắm vũ khí giết người, cắt giảm mạnh những khoản đầu tư vì lợi ích của con người như lương thực và các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Tổng thống Guyana Donald Ramotar cảnh báo chỉ còn hơn 3 năm nữa là đến thời hạn phải hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ. Những gì mà các quốc gia phát triển trông đợi là giải pháp và tiến trình thật sự cho việc giải quyết an ninh lương thực chứ không phải là những lời hứa suông.

Cuộc họp của Đại hội đồng LHQ sẽ tập trung thảo luận về các mục tiêu thay thế các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vốn đã được đặt ra tại cuộc họp tương tự cách đây 12 năm. Năm 2015 là thời điểm phải kết thúc việc hoàn thành các mục tiêu này và mở ra các cuộc đàm phán về những mục tiêu thay thế trong 15 năm tiếp theo. Mục tiêu Thiên niên kỷ cam kết giảm một nửa số người nghèo trên thế giới vào giữa năm 1990 và 2015, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em, đảm bảo mọi trẻ em trên toàn thế giới hoàn thành bậc tiểu học, quyền tiếp cận giáo dục cho trẻ em gái, cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm tỷ lệ tử vong khi sinh nở, chống dịch AIDS và sốt rét...

Theo đánh giá của LHQ, thế giới đã thực hiện khá tốt các mục tiêu ban đầu. Ví dụ, mục tiêu giảm một nửa tỷ lệ người dân thế giới sống ít hơn 1,25 USD mỗi ngày đặt ra từ năm 1990 và đã đạt được vào năm 2010. Trong thời gian 20 năm qua, hơn 2 tỷ người được tiếp cận với nguồn nước uống được cải thiện, và hơn 100 triệu người sống ở các khu ổ chuột đã được cải thiện điều kiện sống.

Liên quan đến giáo dục, bên lề Đại hội đồng LHQ, Tổng thư ký LHQ đã công bố sáng kiến “Giáo dục trước hết” (Education First). Các quốc gia, công ty và tổ chức tư nhân đã cam kết huy động 1,5 tỷ USD cho sáng kiến này, trong đó tập trung vào 3 ưu tiên trong 5 năm tới: Mọi trẻ em đều được đến trường; nâng cao chất lượng học và thúc đẩy công dân toàn cầu thông qua giáo dục.

Xung đột làm chệch hướng phát triển

Hãng AFP ngày 27-9 đưa tin, phát biểu tại hội nghị Xã hội châu Á tổ chức bên lề phiên họp của Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khẳng định các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có thể giúp kinh tế thế giới đang gặp khủng hoảng, song cảnh báo không để cuộc xung đột ở các vùng biển xung quanh Trung Quốc làm chệch hướng phát triển. Bà cho rằng phải giải quyết tình trạng đối đầu giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng liên quan đến chủ quyền biển đảo. Thái Lan quyết tâm làm những gì có thể để làm dịu căng thẳng và các vùng biển như biển Đông phải được coi là khu vực tiềm năng.

Cùng ngày, LHQ đã cho công bố bản đồ hải giới quần đảo Senkaku/Điếu ngư mà phía Trung Quốc đã trình lên LHQ vào ngày 13-9 cũng như văn bản phản đối bản đồ này của phía Nhật Bản.

Việc giải quyết khủng hoảng hạt nhân Iran tiếp tục được xem là nhiệm vụ khó thực hiện trong phiên họp lần này của LHQ khi bài phát biểu của Tổng thống Iran Ahmadinejad tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Ông Ahmadinejad chỉ trích cơ chế phủ quyết của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an là phân biệt đối xử, không đảm bảo hòa bình cho thế giới và kêu gọi thay đổi cơ chế để có lợi cho việc bảo vệ công lý. Trong khi đó, lệnh cấm vận của Mỹ và EU áp đặt lên Iran đang làm cho giá dầu có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng đến sự phục hồi của nền kinh tế thế giới, đe dọa các mục tiêu phát triển của các nước.

Cộng đồng quốc tế lại tỏ ra chia rẽ khi giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong khi Mỹ, Pháp, Qatar… gián tiếp hoặc trực tiếp kêu gọi sự can thiệp quân sự vào Syria thì Brazil, Iran, Nga, và cả Ai Cập kêu gọi các bên ở Syria hạ vũ khí vì giải pháp tốt nhất, duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là ngoại giao và đối thoại.

Thanh Hằng (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục