Loay hoay với nhiên liệu sinh học - Bài 3: Giải bài toán nguyên liệu và giá thành

Tự quy hoạch
Loay hoay với nhiên liệu sinh học - Bài 3: Giải bài toán nguyên liệu và giá thành

Với nguồn cung cấp các loại nhiên liệu hóa thạch ngày càng hạn chế, giá dầu mỏ tăng cao nên an toàn năng lượng trở nên cấp bách đối với tất cả các nước trên thế giới. Trong khi đó việc nghiên cứu và sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH) đã có những bước phát triển lớn. Nhưng để thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng NLSH… thì không thể một sớm một chiều, nhất là giải quyết bài toán nhiên liệu và giá thành.

Người dân yêu cầu đổ xăng E92 dù E5 kế bên.

Người dân yêu cầu đổ xăng E92 dù E5 kế bên.

Tự quy hoạch

Theo TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Lọc hóa dầu (Đại học Bách khoa TPHCM), có thể thấy lộ trình đặt ra đối với NLSH, đặc biệt xăng E5 vẫn còn bất cập. Theo tính toán, đến năm 2017 khi tất cả các nhà máy sản xuất ethanol đi vào hoạt động hết công suất, chúng ta sẽ đạt hơn 1 tỷ lít ethanol. Vừa đủ để pha xăng E5 cung cấp cho cả nước. Tuy nhiên nghịch lý ở chỗ, các nhà máy đã xây dựng và đi vào hoạt động lại đang gặp vô vàn khó khăn. Có nhà máy còn đứng trước nguy cơ phá sản như Đồng Xanh (Quảng Nam). Còn những nhà máy đang nằm trên giấy thì chưa biết số phận như thế nào.

Cũng theo lộ trình, đến năm 2020, chúng ta sẽ có E10. Rõ ràng với thực tế này, pha E5 còn không đủ đừng nói đến E10. Sự hoài nghi về thành công của đề án nhiên liệu sinh học rõ ràng hơn bao giờ hết.

“Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, trồng sắn làm nguyên liệu sản xuất ethanol không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, mà còn phá hủy dinh dưỡng của đất. Sau vài mùa trồng sắn, đất canh tác không thể trồng được bất kỳ cây gì khác. Nhưng chúng ta chưa tính đến những nguy cơ này trong đề án phát triển NLSH giai đoạn 2015 - 2020. Sự thả nổi đó khiến doanh nghiệp và người dân chịu thiệt thòi nhất. Người dân không biết và không chuộng E5, doanh nghiệp pha xăng bị lỗ, kéo theo doanh nghiệp sản xuất ethanol điêu đứng. Từ đó, dân trồng sắn cũng chết theo cây sắn. Vòng luẩn quẩn này diễn ra vài năm nay”, TS Huỳnh Quyền nhấn mạnh.

Ngoài ra, có một thực tế là sự thiếu gắn kết của các bộ, ngành có liên quan. Để thực hiện đề án này thành công bắt buộc phải có sự hợp tác của Bộ Công thương (khuyến khích doanh nghiệp), Bộ KH-CN (tiêu chuẩn kỹ thuật), Bộ Nông nghiệp (quy hoạch nguồn nguyên liệu), Bộ Tài nguyên - Môi trường (đánh giá tác động) và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (tuyên truyền cho người dân). Tuy nhiên đến nay, chỉ mới Bộ KH-CN ra được tiêu chuẩn kỹ thuật, Bộ Công thương vận động được một số doanh nghiệp tham gia pha xăng E5. Còn lại, hoặc doanh nghiệp tự làm hoặc các địa phương tự quy hoạch lấy… nên phát triển NLSH càng khó khăn hơn.

Làm chủ nhưng...

Còn với các nguồn NLSH khác, thấy rõ đã được đầu tư nghiên cứu tại nhiều đơn vị, cơ quan, trường học… trong đó, Sở KH-CN TP đã nghiệm thu nhiều đề tài tốt. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết: “Các đề tài tốt như sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải; sản xuất butanol từ rơm rạ; hệ thống ép trấu và bã cà phê tạo viên nhiên liệu; sản xuất biodiesel từ mỡ cá tra… Nhìn chung, chúng ta đã làm chủ được công nghệ và trong hoàn cảnh thuận lợi có thể phát triển lên sản xuất quy mô công nghiệp”.

Cũng cần nói rõ thêm, trong số các nghiên cứu NLSH nguồn nguyên liệu không phải từ cây sắn thì có khá nhiều đề tài tiềm năng rất cao, như nghiên cứu thu dầu từ tảo biển của Viện Sinh học nhiệt đới TPHCM. Đây là đề tài nghiên cứu được Cộng đồng châu Âu tài trợ kinh phí gần 700.000 USD. Đề tài đang thử nghiệm tại Cần Giờ (TPHCM) và một huyện của Cần Thơ.

Hay như đề tài sản xuất biodiesel từ mỡ cá tra. Ước tính mỗi năm nước ta có khoảng 300.000 tấn mỡ cá. Nếu pha dầu B5 sẽ có 1,5 triệu tấn dầu B5. Hàng năm nước ta tiêu thụ khoảng 17 triệu tấn dầu. Như vậy, riêng đề tài này, nếu triển khai tốt có thể thay thế 10% lượng dầu hiện nay.

Nhưng theo ông Phan Minh Tân, hai khó khăn lớn nhất của các loại NLSH này là nguồn nguyên liệu đầu vào và giá thành sản xuất. Hiện các đề tài nghiên cứu chưa thể triển khai mạnh bởi khan hiếm nguồn nguyên liệu. Một số đề tài dù đánh giá nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng cuối cùng vẫn bị cạnh tranh. Đa số nguyên liệu bị tư thương mua về sử dụng vào mục đích khác. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất ra thường cao hơn giá xăng, dầu hiện tại. Từ đó, các doanh nghiệp không mặn mà lắm với các kết quả nghiên cứu kể trên.

Ông Tân cho biết thêm, Hàn Quốc trước đây cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, họ đã tháo gỡ  khó khăn đó bằng chính sách thưởng phạt rõ ràng. Cụ thể, đến một giai đoạn nào đó, họ bắt các đơn vị kinh doanh xăng dầu phải cam kết bán bao nhiêu phần trăm NLSH trong tổng số lượng xăng dầu bán hàng năm. Nếu đạt, họ sẽ được miễn thuế đối với lượng NLSH đó. Ngược lại, số tiền phạt sẽ gấp nhiều lần so với tiền thuế. Vì thế, tại Việt Nam, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá, đồng thời cần bắt buộc các doanh nghiệp xăng dầu ưu tiên bán NLSH ở mức nào đó. Nếu để các chính sách còn ở mức khuyến khích, thì NLSH khó tìm được hướng đi.

Nhiều chuyên gia đề xuất, Nhà nước cần phải có những hỗ trợ kịp thời để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Bởi tính đơn giản, nếu 100 sử dụng E5, ta sẽ giảm được gần 5% xăng nhập khẩu (hiện xăng nhập khẩu đến 70%), từ đó tiết kiệm được ngoại tệ. Nếu mang tiền tiết kiệm đó hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp và người trồng sắn, rõ ràng có rất nhiều điểm lợi. Chưa kể, xuất khẩu ethanol như hiện nay sẽ đặt dấu hỏi khá lớn đối với an ninh năng lượng của Việt Nam.

Bá Tân - Tường Hân

Loay hoay với nhiên liệu sinh học

- Bài 1: Nửa đường đã thấy khó

- Bài 2: Đâu chỉ có cây sắn

Tin cùng chuyên mục