Sức mua đóng “băng”, doanh nghiệp căng mình vượt khó

Sức mua giảm 30% - 50%
Sức mua đóng “băng”, doanh nghiệp căng mình vượt khó

Thị trường vừa bước qua đợt cao điểm khuyến mãi lớn dịp lễ 30-4 và 1-5 nhằm kích cầu sức mua, tuy nhiên hiệu quả mang lại không như mong muốn của hầu hết các nhà kinh doanh. Điều này cũng đồng nghĩa, quý 2-2013 sắp qua nhưng tín hiệu lạc quan về sức mua vẫn nằm phía cuối đường hầm.

Sức mua tại các chợ không cao. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sức mua tại các chợ không cao. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Sức mua giảm 30% - 50%

10 giờ sáng 7-5, tại chợ An Đông, dù được xem là giờ cao điểm mua sắm của chợ nhưng không khí tại đây vẫn khá vắng lặng. Tại khu vực ngành hàng quần áo còn có một vài khách hàng đến mua sắm, nhưng ở các ngành hàng còn lại như chạp phô, vải sợi, giày dép,… hầu như chỉ có người bán ngồi nhìn nhau. Không ít sạp hàng đang tạm đóng cửa hoặc vừa bán, vừa treo bảng sang sạp. Chị Muối, người bán hàng tại gian hàng vải sợi Kim Vân (sạp I 11-12) cho biết, sức mua trong quý 1 vừa qua đã giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiền bán không đủ để trang trải cho chi phí ngồi chợ, nên chủ sạp hàng Kim Vân quyết định treo bảng sang sạp!

Tại khu vực quần áo, chủ sạp hàng Diễm My - Diễm Thy (sạp C89 - 99), cũng than trời khi cho rằng sức mua đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2012. Theo chị Diễm My, 4 tháng đầu năm 2013, lượng hàng đóng đi các tỉnh gần như ngưng trệ, doanh thu chủ yếu chỉ trông chờ việc đưa hàng ra Hà Nội. Thế nhưng, thời tiết phía Bắc năm nay mùa lạnh kéo dài, cộng với mưa nhiều nên lượng hàng bán cho các đối tác chỉ cầm chừng.

Thực trạng này cũng đang diễn ra tại hầu hết các ngôi chợ mặt tiền của TP. Nổi tiếng như chợ Bến Thành nhưng tiểu thương tại đây cũng không tránh khỏi “quy luật” sức mua năm sau luôn giảm khá mạnh so với năm trước. Chị Thúy Liễu, chủ sạp hàng thủ công mỹ nghệ cho biết, những năm trước, ngoài việc bán lẻ đồng thời thực hiện các đơn hàng dưới dạng xuất khẩu tại chỗ cho đối tác, thì nay chủ yếu nhờ vào bán lẻ.

Tại khu vực các siêu thị, sau đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán, sức mua thường rơi vào “khoảng lặng” nên dịp lễ 30-4 và 1-5 là cơ hội vàng để các nhà kinh doanh hâm nóng thị trường, bằng hàng loạt các chương trình siêu khuyến mãi trên hàng ngàn mặt hàng có mức giảm lên tới 50%. Mặt khác, để giành khách, các siêu thị đã tung ra nhiều chương trình như giảm giá trực tiếp trên các đơn hàng cho chủ thẻ, nhân đôi số điểm tích lũy hoặc được mua hàng với giá sốc... Nhưng theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, mãi lực tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trong các ngày nghỉ lễ vừa qua chỉ tăng nhẹ, khoảng 20% - 30% so với ngày thường. Cá biệt như hệ thống Co.opMart sức mua tăng khá cao so với các hệ thống khác, đạt 60% - 70% so với ngày thường nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 150% của cùng thời điểm những năm trước.

Doanh nghiệp vượt khó

Hình thức khuyến mãi giờ đây không còn là việc của các nhà sản xuất, nhà cung cấp mà ngay cả các nhà phân phối cũng phải vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều DN đã đầu tư nghiên cứu để xác định phân khúc thị trường tốt hơn, định hình lại các mô hình mua sắm nhằm mở ra những cơ hội chuyển đổi toàn bộ phân khúc, hướng tới ngành bán lẻ thông minh hơn nhằm đáp ứng sự liên tục thay đổi trong sở thích và hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Với các nhà sản xuất, họ không thụ động trông chờ vào các nhà phân phối mà đã tự thân vận động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Đẩy mạnh việc đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng ở các vùng miền, thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn cũng đã được các DN khai thác triệt để. Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng, cho rằng, kinh tế khó khăn nhưng doanh thu của công ty đã “bùng nổ” với mức tăng trưởng đạt 300% trong năm 2012. Nguyên nhân chính do công ty đã kiên trì đeo bám từ các phiên chợ hàng Việt, vừa bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, vừa nỗ lực tìm kiếm đối tác. Từ đây, công ty đã thay đổi cách nghĩ và làm, tìm được hướng đi mới, đó là tiến về thị trường nông thôn với dân số hiện chiếm hơn 70%, chứ không quanh quẩn ở khu vực thành thị vốn khó chen chân.

Bằng kinh nghiệm từ thực tiễn của một nhà sản xuất, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long, cho rằng, nếu DN biết đầu tư vào công nghệ bằng chính năng lực và chất xám, chắc chắn sẽ đưa ra những sản phẩm tốt, có sức cạnh tranh cao và giá thành thấp. Đây cũng là năng lực cốt lõi để Minh Long chuyển hướng thành công từ việc xuất khẩu sang khai thác thị trường nội địa mà vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng hợp lý.

Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình giảm, giãn và hoãn thuế cho DN, kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng… Đồng thời có kế hoạch giãn tiến độ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ trên một cách hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo niềm tin nơi người tiêu dùng nhằm phá “băng” sức mua, tạo xung lực mới cho nền kinh tế của đất nước.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục