Thúc đẩy thương mại điện tử ASEAN

Singapore hiện đang là Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2018. Với vị thế là nước có tiềm năng lớn về công nghệ và tri thức, Singapore đang thúc đẩy để ASEAN sớm thông qua hiệp định chung về thương mại điện tử và đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN phát triển.

Phát biểu trước Quốc hội Singapore ngày 2-3, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Lim Hng Kiang cho rằng Hiệp định về thương mại điện tử ASEAN sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng và thúc đẩy tiềm năng cũng như giảm bớt các quy tắc thương mại. Ông Lim cho biết một số công ty đang rất bối rối trước các quy định thương mại điện tử khác nhau ở mỗi nước thành viên ASEAN vì lĩnh vực thương mại điện tử của khu vực vẫn còn rất mới mẻ. Hiệp định sẽ hợp lý hóa một số quy định để thúc đẩy kết nối công nghệ số lớn hơn và giảm các rào cản hoạt động đối với doanh nghiệp. 

Trước đó, các bộ trưởng thương mại và công nghiệp 10 nước ASEAN cũng đã có cuộc họp tại Singapore bàn về việc cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm hiệp định thương mại điện tử mới xuyên biên giới. Các cuộc đàm phán giữa Singapore và các nước thành viên ASEAN đang tiếp tục nhằm hoàn thiện Hiệp định thương mại điện tử ASEAN vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, ASEAN đang đối mặt với những thách thức trong việc thúc đẩy nền kinh tế số. Báo cáo vào tháng 12-2007 của Google và Temasek Holdings chỉ ra rằng sự thiếu hụt các kỹ sư lành nghề vẫn là một thách thức lớn cho khu vực. Hơn nữa, có sự khác biệt về phát triển cơ sở hạ tầng giữa các nước thành viên của ASEAN. Theo đánh giá về tốc độ phát triển thương mại điện tử của Liên hiệp quốc, Singapore đứng thứ 18 và Malaysia thứ 38, trong khi Campuchia và Myanmar đứng thứ 115 và 123 trong số 144 quốc gia và khu vực được khảo sát trên toàn cầu. Ngoài ra, đa số người dân ở các quốc gia kém phát triển không có tài khoản ngân hàng là một rào cản cho việc tiếp nhận các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Singapore cũng sẽ tận dụng vị thế chủ tịch của mình để thúc đẩy Mạng lưới đổi mới sáng tạo ASEAN (AIN). Mục tiêu của dự án là tăng cường mạng lưới giữa các hệ thống đổi mới sáng tạo trong ASEAN. 

ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và đạt tốc độ tăng trưởng ổn định 5% trong năm 2017. Đến năm 2030, ASEAN có tiềm năng trở thành thị trường lớn thứ tư trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và EU. Ông Lim cho rằng bất chấp xu hướng dân tộc và tình hình bảo hộ nhiều nơi trên thế giới đang trỗi dậy, ASEAN vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách hội nhập kinh tế khu vực. Bộ trưởng Lim cho rằng ASEAN đang có những tiến bộ to lớn trong việc hội nhập sâu hơn nữa trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Kể từ khi ra đời vào năm 2015, AEC đã hạ thấp các rào cản gia nhập, giảm chi phí giao dịch, mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng và tạo ra cơ hội việc làm trong khu vực. Ông đánh giá đây là triển vọng rất tốt. Với những thách thức như vậy, ASEAN đang nghiên cứu cách thức hoạt động trong khu vực để tạo ra các khuôn khổ mới có lợi cho tất cả các doanh nghiệp ở các nước thành viên. Nghiên cứu của Google và Temasek ước tính nền kinh tế internet của ASEAN có thể tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục