TPHCM bắt đầu truy xuất thịt và trứng gia cầm

Từ ngày 3-10, chỉ cần tra mã vạch trên tem truy xuất, người tiêu dùng sẽ biết được trại cung cấp con giống, loại thức ăn, ngày tiêm thuốc vắc xin, cơ sở giết mổ và cuối cùng là đơn vị cung cấp các loại thịt và trứng gia cầm… 
Nhân viên Công ty Bình Minh kiểm tra chất lượng gà của trại nuôi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Nhân viên Công ty Bình Minh kiểm tra chất lượng gà của trại nuôi ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Yên tâm về nguồn cung 

Nằm cách khu dân cư hơn 500m, trang trại Minh Tâm Phát (tỉnh Bình Dương) là nơi chuyên cung cấp trứng gà cho Công ty Vĩnh Thành Đạt. Hiện trại có 6 nhà lồng, mỗi nhà lồng có khoảng 20.000 con gà, ước tính tổng 1 nhà lồng đầu tư khoảng 6 tỷ đồng. Gà được nuôi trong nhà lồng cách biệt với môi trường bên ngoài để hạn chế dịch bệnh. Muốn vào bên trong trang trại, từ người đến vật dụng đều phải khử trùng tại cổng. Trước nhà lồng được treo vòng truy xuất màu vàng để nhập thông tin giống gà, tháng tuổi, thức ăn, thuốc vaccine, ngày đẻ trứng… Trứng được mang lên xe tải rồi niêm phong bằng vòng trắng truy xuất. Ông Lê Văn Dương, chủ trang trại Minh Tâm Phát chia sẻ: “Toàn bộ công đoạn truy xuất đều dưới sự giám sát của cán bộ thú y. Chỉ có thay đổi thêm là nhập thông tin vào tài khoản truy xuất trên mạng”.
Để được tham gia Đề án Truy xuất của TPHCM, các cơ sở chăn nuôi gia cầm phải đầu tư trang trại chăn nuôi theo công nghệ hiện đại. Trang trại Út Mới (tỉnh Đồng Tháp) đang nuôi 7.000 con vịt công nghiệp, cung cấp cho thị trường 5.000 trứng truy xuất nguồn gốc/ngày. Theo ông Lê Ngọc Mới (chủ trang trại), từ xưa đến nay, vịt chỉ sống trong môi trường thả đồng mới đẻ trứng. Nhưng nhờ có chuyên gia, thú y và công ty thức ăn cùng phối hợp mà vịt nuôi công nghiệp có thể đẻ trứng chất lượng còn tốt hơn thả đồng. Quan trọng là phải đầu tư được hệ thống xử lý chất thải để vịt sống trong môi trường sạch mới có thể đẻ trứng.
Đối với trại gà giống, khi gà con sinh ra được 1 ngày tuổi sẽ tiêm vaccine, kháng sinh. Nhân viên chỉ cần nhập thông tin vào tài khoản truy xuất và niêm phong xe vận chuyển bằng vòng trắng. Tương tự, trại gà nuôi lấy thịt cũng rất thuận lợi trong truy xuất nguồn gốc. Theo Công ty Bình Minh, ngay từ khi liên kết bán gà, công ty thu mua đã đầu tư cáp viễn thông phục vụ việc quản lý; mỗi ngày phải nộp báo cáo qua máy tính, dưới sự giám sát của hệ thống camera do công ty lắp đặt. Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc không gặp bất cứ khó khăn nào.
Sau gần 3 tháng triển khai, đề án truy xuất đã nhận được hồ sơ đăng ký tham gia của các đơn vị như: Bel Gà, CP, San Hà, 3F Việt, Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… với 35 trang trại gà giống, 431 trang trại gà lấy thịt, 61 trang trại gà lấy trứng (sản lượng 78.322.980 trứng/tháng), 17 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (sản lượng 179.000 con/ngày), 9 cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng 2.260.000 trứng/ngày). Tại TPHCM hiện có hơn 1.749 điểm bán thịt gia cầm, trứng gia cầm. Thịt và trứng gia cầm dán tem được phân phối trong hệ thống siêu thị và một số chợ.   
Quy trình truy xuất sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, hệ thống phần mềm quản lý… cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra đầy đủ thông tin về loại thịt, trứng gia cầm đã mua và truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn.
Quản lý trứng và thịt truy xuất như thế nào? 
Trạm Thú y huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) nhận xét, trại vịt Út Mới áp dụng mô hình nuôi gia cầm theo công nghệ nước ngoài. Quy mô đầu tư chuồng trại lớn, thức ăn có hợp đồng với từng đơn vị cung cấp nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và dễ dàng tìm ra lỗi để khắc phục nhanh nhất. Theo công nghệ này, trứng vịt trại Út Mới có màu sắc lòng đỏ đạt tiêu chuẩn trứng chất lượng cao. Tương tự, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt nhận định, các sản phẩm từ gà truy xuất rất dễ dàng, do gà đều từ các trang trại có quy mô lớn cung cấp.  Chỉ khó nhất là trứng vịt theo mô hình “chạy đồng”. Hiện nay, chỉ có trứng vịt nuôi theo công nghệ mới từ trang trại Út Mới, mới đạt tiêu chuẩn để dán tem truy xuất. Trại Út Mới đang nhân rộng cho các thành viên trong tổ hợp tác. Dự kiến, từ 6 - 12 tháng tới, nguồn trứng vịt đạt tiêu chuẩn truy xuất sẽ nhiều hơn. 
Theo các công ty San Hà, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, sản phẩm từ trại vệ tinh luôn được nhân viên công ty giám sát ngay từ khi thu mua. Chủ trang trại và doanh nghiệp bao tiêu có hợp đồng cam kết chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Khi sản phẩm về, công ty sẽ có đội ngũ kiểm soát chất lượng thêm lần nữa hoặc xét nghiệm theo đề nghị của đối tác. Thật ra, trước khi TPHCM tổ chức Đề án Truy xuất, các công ty chăn nuôi gia cầm và trứng đều đã tuân thủ quy trình truy xuất trong nội bộ do phải quản lý theo mô hình trang trại. Trên sản phẩm có hiển thị mã số được cấp riêng từng trại, ngày xử lý, giết mổ. Việc truy xuất nội bộ vẫn được thực hiện song song với Đề án Truy xuất của TP để tránh tiểu thương bỏ hàng xá vào bao bì có dán tem truy xuất, lừa người tiêu dùng.
Có thể thấy, quy trình Đề án Truy xuất thịt gia cầm và trứng gia cầm triển khai thuận lợi hơn so với thịt heo, do các nguồn cung cấp đều là các trang trại chăn nuôi gà, vịt quy mô lớn. Thời gian tới, TPHCM sẽ mở rộng triển khai Đề án Truy xuất với các mặt hàng thực phẩm khác như thịt bò, rau củ quả… để khuyến khích sản xuất sản phẩm sạch, an toàn.

Tin cùng chuyên mục