Tranh luận quanh dự án môi trường

Một nhóm nghiên cứu gồm 12 nhà khoa học đến từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ethiopia và Jamaica đăng một bài viết trên tạp chí Nature số ra ngày 4-4 cho rằng các nước nghèo dễ tổn thương nhất khi Trái đất ấm lên, vì vậy cần tham gia nhiều hơn vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, các quốc gia đang phát triển phải đi đầu trong nghiên cứu “solar geo-engineering”. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiên tiến Bangladesh Atiq Rahman nhận xét công nghệ này đang dần bám rễ trong các nghiên cứu trên thế giới.   

Hiện tại các quốc gia giàu có và những trường đại học danh tiếng như Havard, Oxford đang chiếm lĩnh nghiên cứu công nghệ “solar geo-engineering”, mô phỏng các vụ phun trào núi lửa lớn tạo một tấm mạng tro bụi che Mặt trời, nhờ đó có thể làm mát Trái đất. Các nghiên cứu về “solar geo-engineering” có thể được hỗ trợ bởi Sáng kiến kiểm soát bức xạ Mặt trời (SRMGI), một dự án nghiên cứu mới trị giá 400.000 USD. Quỹ này có thể giúp các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển nghiên cứu tác động của solar geo-engineering trong khu vực, chẳng hạn như tình trạng hạn hán, lũ lụt hoặc gió mùa. 

Còn nhiều tranh cãi về công nghệ này, vì còn quá sớm để xác định những tác động của nó, có thể rất hiệu quả nhưng cũng có thể rất có hại. Một dự thảo báo cáo về khí hậu dự kiến được công bố vào tháng 10 tới, các chuyên gia của Liên hiệp quốc bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của “solar geo-engineering” xét ở khía cạnh kinh tế và xã hội; đồng thời cho rằng công nghệ trên có thể làm gián đoạn các hình thái thời tiết và khó có thể dừng lại một khi đã bắt đầu. Tạp chí Science đưa ra những thông tin đánh giá về hai dự án Geo engineering được giới khoa học ủng hộ nhất là dự án trùng tu mây và bơm khí lưu huỳnh vào bầu khí quyển. Theo tính toán của các nhà khoa học, lượng khí lưu huỳnh cần bơm sẽ tương đương với 6.700 chuyến bay/ngày với chi phí ước tính lên tới 20 tỷ USD/năm. Trong dự án sửa mây ti (loại mây cực mỏng kéo dài trên bầu trời), các nhà nghiên cứu đang tìm cách để nhiệt có thể thoát ra thông qua những đám mây mỏng bằng cách gieo những phân tử vật chất nhỏ như hóa chất, bụi sa mạc hay phấn hoa vào trong những đám mây ti khiến chúng phản xạ lại các tia Mặt trời. Giống như việc bơm khí lưu huỳnh vào bầu khí quyển, dự án này cũng sẽ không thể thay đổi lượng khí CO2 có sẵn trong không khí hay làm giảm lượng CO2 mà chúng ta sẽ thải ra. Ngoài ra, khi những công nghệ geo-engineering nói trên được phát triển, sẽ có những cá nhân hay quốc gia đơn phương quyết định việc sử dụng nó. Điều này kéo theo nhiều mâu thuẫn vì trên thế giới chưa có một sự thống nhất chung về những nguy cơ sẽ ảnh hưởng tới một khu vực nhất định nếu áp dụng. Viễn cảnh tồi tệ nhất là việc sẽ có một làn sóng mâu thuẫn quốc tế sau khi các dự án geo-engineering được triển khai.

Ngay cả khi áp dụng geo-engineering được lên kế hoạch cẩn thận thì đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi chúng ta cố giảm nhiệt Trái đất mà không cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vốn được xem là nguyên nhân chính. Không những vậy, việc chỉ áp dụng những biện pháp geo-engineering mà không cắt giảm lượng khí thải sẽ tốn của chúng ta hàng trăm năm để hoàn thành, trong khi không thể biết hết được những tác dụng phụ của nó. Vì vậy, giải pháp khả thi nhất cho việc giảm nhiệt Trái đất vẫn là cùng chung tay giảm thiểu và cắt giảm khí thải từ quá trình đốt nguyên liệu hóa thạch.

Tin cùng chuyên mục