Trầy trật vì chính sách

Thời gian qua đã có hàng loạt chính sách ra đời nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phát triển, mà điển hình là Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. 
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại TPHCM
Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại TPHCM
Tuy vậy, con đường nâng tầm chính sách, tạo đà để DN phát triển vẫn còn lắm gian nan, khi mà một số chính sách tưởng chừng tích cực hỗ trợ DN nhưng thực tế lại là tạo thêm lực cản. Rõ ràng tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc cho ra đời các chính sách rất cần được xem xét nghiêm túc…
Khi chính sách bất khả thi!
Cách đây vài ngày, việc Tổng cục Hải quan phải liên tục “giải cứu” gần 1.000 container hàng hóa của nhiều DN bị ùn tắc tại một số cảng của TPHCM, do vấp phải Quyết định số 15/2017 của Thủ tướng Chính phủ (về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, có hiệu lực từ ngày 1-7-2017), khiến dư luận bức xúc. Bởi quy định mới đi vào thực thi được vài tuần nhưng liên tục có vấn đề. Tổng cục Hải quan đã phải 2 lần ký công văn hỏa tốc gỡ vướng, còn về phía Cục Hải quan TPHCM thì phải gửi văn bản “kêu cứu” tới 3 lần… 
Về cơ bản, các vụ gỡ rối đã giúp thông quan hàng hóa nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất để xuất khẩu, nhưng DN phản ánh rằng với các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực chuyển phát nhanh thì “số phận” chưa được đề cập tới. Như vậy, không rõ các mặt hàng này sẽ được làm thủ tục thông quan như thế nào, không loại trừ khả năng sẽ có thêm công văn gỡ rối tiếp theo. “Điều lạ là ở chỗ, sau mỗi lần có hướng dẫn gỡ vướng thì các thủ tục thông quan, hỗ trợ DN được áp dụng lại hao hao với cách làm đã thực hiện trước khi Quyết định 15 có hiệu lực. Vậy vai trò của quyết định mới này là gì?”, giám đốc một DN băn khoăn. 
Một vụ bức xúc khác liên quan đến DN thủy sản cũng “nóng” không kém, khi Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ nên bỏ quy định phải có giấy xác nhận an toàn thực phẩm (đăng ký công bố hợp quy) trong Nghị định 38/2012 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Theo VASEP, việc xin cấp giấy xác nhận này giống như một “giấy phép con”, gây phiền hà, tốn kém cho DN, đặc biệt là DN xuất khẩu khi các sản phẩm của họ đều đạt chuẩn quốc tế quy định. 
Tương tự, vụ DN đầu tư hàng chục tỷ đồng vào xe buýt mui trần để khai thác du lịch tại 7 tỉnh, thành phố nhưng bị ách lại do Bộ Giao thông Vận tải có quyết định tạm ngưng triển khai thí điểm (trước đó Chính phủ đồng ý cho thí điểm) đã khiến DN chật vật. Hiện DN đã đặt khoảng 12 xe về tới TP Đà Nẵng, với số tiền đầu tư cho mỗi xe khoảng 7 tỷ đồng, chưa kể tiền nội thất xe... 
Giảm năng lực cạnh tranh
Còn nhớ, gần tròn 5 năm về trước, người kinh doanh thịt các loại đã một phen xôn xao, đứng ngồi không yên với Thông tư 33 và 34 của Bộ NN-PTNT (dự định có hiệu lực ngày 3-9-2012). Cụ thể, các thông tư quy định việc bán thịt phải thực hiện trong vòng 8 giờ đồng hồ; yêu cầu các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt khu dân cư, thiết bị xử lý trứng, khử trùng trứng trước khi bán... Nhưng thật may, sau khi DN và người kinh doanh phản ứng quyết liệt, Bộ NN-PTNT đã dừng thực hiện cả 2 thông tư này, với lý do chưa phù hợp áp dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tuy vậy, không phải điểm nghẽn chính sách nào cũng được điều chỉnh kịp thời như thông tư trên. Bằng chứng là các DN chuyển phát nhanh, VASEP, DN kinh doanh xe buýt mui trần… vẫn đang chờ “cởi trói” chính sách. Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on - Hop off  Việt Nam, đơn vị đầu tư xe buýt 2 tầng mui trần, thẳng thắn cho rằng: “DN rất cần chính sách ổn định để đầu tư lâu dài, bền vững. Nếu chính sách thay đổi liên tục, DN không thể yên tâm phát triển được”. 
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thừa nhận việc DN bị “hành” bởi các chính sách… không có gì lạ! Nhiệm vụ của VCCI là tăng cường tập hợp, nghiên cứu các ý kiến của DN để phản ánh, kiến nghị, tham mưu cho Nhà nước các vấn đề pháp luật, chính sách kinh tế, xã hội để cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả từ một số dự án khảo sát điều kiện kinh doanh do Chính phủ triển khai cho thấy, nhiều thủ tục cấp phép được rút ngắn đáng kể - từ 30 ngày xuống còn 5 ngày. Thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục rà soát những bất cập, không chỉ ở những thông tư, nghị định mà còn ở các luật, bộ luật, để đấu tranh vì một môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ DN. 
Tại một cuộc hội thảo mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhìn nhận việc cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh cũng như tiềm năng tăng trưởng của DN. Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thực tế, tối ưu cho DN; phải đồng hành, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN. Có như vậy, nền kinh tế mới có điều kiện phát triển ổn định và vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục