Nhớ thương nhà văn Hoàng Văn Bổn

Nhớ thương nhà văn Hoàng Văn Bổn

Tôi biết tiếng nhà văn Hoàng Văn Bổn (1928-2006) hơn nửa thế kỷ nay qua các tác phẩm mà tôi đã say sưa đọc và ngưỡng mộ, như “Trên mảnh đất này” phản ánh một phần bản anh hùng ca bất khuất của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Nhớ thương nhà văn Hoàng Văn Bổn ảnh 1

Tôi gặp gỡ và thân tình với anh từ cuối năm 1980. Lúc ấy anh về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai (nhà văn Lý Văn Sâm là chủ tịch). Tôi từ Ban Tuyên giáo về công tác ở huyện Vĩnh Cửu nhưng với máu say mê văn nghệ và lại là hội viên nên mỗi lần về tỉnh họp tôi đều ghé đến số nhà 30 Quốc lộ 1, Biên Hòa, nếu không gặp được anh tại cơ quan hội tôi cũng tìm cách đến thăm anh tại nhà ở khu Lò mổ.

Tính anh hiền lành, chất phác, thật thà và không bao giờ cách biệt giữa “nhà văn” và bạn bè. Nhờ những lần gặp gỡ đó mà tôi hiểu khá nhiều về anh và càng khâm phục anh thêm. Có những bộ phim tài liệu và phim truyện tôi đã từng xem như Lá cờ chuẩn, Người Hàm Rồng mà nay mới biết là anh viết kịch bản và quay phim.

Tôi nhớ mãi hình ảnh nhà văn Lý Văn Sâm bàn giao lại nhiệm vụ Chủ tịch Hội tại Đại hội Văn học - Nghệ thuật Đồng Nai lần thứ hai cho anh, hai nhà văn ôm nhau thắm thiết. Sau này anh vừa làm Chủ tịch Hội kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai.

Anh em trong hội chúng tôi thường nói chuyện với nhau, “các ông Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai đều hiền lành, khiêm tốn và gần gũi, hết mình với hội viên như các nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn và họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ”. Những lúc tôi có chuyện buồn, anh Chín và anh Nam Ngữ động viên an ủi tôi.

Riêng nhà văn Hoàng Văn Bổn có lúc lận đận lao đao lo cho hội. Nhờ có những cuộc tâm sự thân tình với anh mà sau này tôi viết một số bài tiểu luận về các tác phẩm của anh như: Nước mắt giã biệt, Tuyển tập Hoàng Văn Bổn, Thuở hồng hoang, Lượm cái hoa rơi... đăng trên các báo Đồng Nai, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Đồng Nai, Tạp chí Văn, tạp chí Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng…

Trong quá trình viết lách của tôi, phải nói có sự giúp đỡ của anh nhiều. Anh biết tôi là nhà báo chứ không phải nhà văn, hai lĩnh vực khác nhau về cách viết, nên bài nào đăng báo Sông Phố hay tạp chí Văn nghệ Đồng Nai anh đều tham gia một cách chân tình. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh ngồi chỉnh sửa từng ý, từng câu trong truyện tôi viết về Anh hùng Trần Công An.

Anh tâm sự: “Mình viết bất cứ lúc nào, ngồi trên xe lửa ồn ào, dưới chiến hào nơi lửa đạn, giữa đêm khuya trằn trọc với từng con chữ, mình đều viết được, viết với tất cả trái tim nhiệt huyết của mình. Đặc biệt mình còn nợ với mảnh đất Đồng Nai, quê hương thân yêu của mình nhiều lắm!”.

Xin thắp nén nhang dâng lên hương hồn anh Chín – nhà văn Hoàng Văn Bổn, nhà văn của Đồng Nai ngàn lần thương nhớ.

ĐẶNG MINH HÂN

Tin cùng chuyên mục