Đâu là tiêu chí của người xuất bản?

Khi đem in lại 4 quyển sách của ông Dương Nghiễm Mậu, Giám đốc Công ty Phương Nam cho rằng điều đó “đáp ứng tiêu chí của người xuất bản”, vì trải qua những thăng trầm, đổi thay, các sách này vẫn giá trị và vẫn bán được.

Những tác phẩm này giá trị ra sao, đa số bạn đọc sống ở miền Nam trong thời chống Mỹ đều đã biết rõ. Bởi lẽ, những quyển sách này không chỉ là các sản phẩm văn hóa mà vốn là những vũ khí độc hại về mặt tinh thần.

Chúng ta đều biết phản động và đồi trụy là những đặc điểm nổi bật mà chế độ cũ vận dụng để làm tha hóa lớp trẻ hầu đưa đẩy họ vào sự chống phá cách mạng, chống lại sự nghiệp giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của bọn đế quốc xâm lược. Nếu nhiều quyển sách của Dương Nghiễm Mậu nổi bật là tính phản động thì sách Lê Xuyên là tính đồi trụy. Phải nhìn nhận rằng, thời chế độ cũ, không ai quan niệm sách của Lê Xuyên thuộc loại văn chương, bởi sự dễ dãi về mặt bút pháp và sự tồi tệ về mặt nội dung.

Hơn ba mươi năm trôi qua, những thứ sản phẩm, gọi rằng văn hóa, rất độc hại ấy đã được xếp xó cùng với bao khối bom, mìn, súng ống đủ loại từng gây chết chóc, thương tật cho những con người yêu nước và tưởng rằng sự yên nghỉ ngàn thu của các sản phẩm như thế là chuyện lịch sử đã an bài rồi. Và các tác giả - là Dương Nghiễm Mậu, Lê Xuyên - sống lại ở thành phố này vẫn được đối xử bình đẳng, không hề gặp phải bất cứ sự quấy phiền nào. Những nỗi khổ đau và những sai lầm đã được xếp vào dĩ vãng, được khuyên khép lại, quên đi để cùng nhìn vào thực tại, hướng về tương lai.

Gần đây, trên vài tờ báo có đăng bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nội dung như thế, bởi sự cảm thông, đoàn kết sớm đưa đất nước phát triển, vươn xa. Theo tinh thần ấy, có thể sẽ có sự xem xét lại khá nhiều sản phẩm văn hóa của chế độ cũ, để được lựa chọn và được tái hiện, với sự giới thiệu và sự đánh giá đúng mức. Thực ra, từ sau giải phóng, toàn bộ sách của ông Nguyễn Hiến Lê đều được in lại, với khối lượng lớn, dẫu tác giả chưa đến với cách mạng một ngày và nội dung của đa số sách Nguyễn Hiến Lê, vốn là sách dịch, chứa nhiều quan điểm tư sản.

Ngay cả tác giả, hiện sống ở Mỹ như Nguyễn Mộng Giác, vẫn có sách mới in tại quê nhà, đó là Sông Côn mùa lũ do chính Trung tâm Quốc học, ở thành phố này, kết hợp với Nhà xuất bản Văn học Trung ương ấn hành cách đây độ chừng mười năm. Như thế, để khẳng định rằng chúng ta không hề có thành kiến nào đối với văn học thời cũ, hay là văn học nước ngoài của các Việt kiều, mà điều chúng ta bận tâm là những sản phẩm văn hóa, văn học như thế đem lại được lợi ích gì cho xã hội này.

Vì những lẽ đó, rất nhiều bức xúc, phẫn nộ của các bạn đọc khi thấy Công ty Phương Nam ấn hành sách của ông Dương Nghiễm Mậu. Các bạn đọc này gồm nhiều thành phần: vị tướng đã từng xông pha trên các chiến trường chống Mỹ, nhà giáo dạy văn, một cựu sĩ quan quân đội, nhà thơ, nhà báo... Đem những vũ khí độc hại ra sơn phết lại, rêu rao bày bán là một xúc phạm nặng nề đối với danh dự đất nước.

Vì sao phải “Góp phần khơi thông một dòng văn học vẫn âm thầm chảy”? Ai cấm đoán? Dòng văn học nào mà vẫn âm thầm chảy? Và chảy âm thầm thật sao? Phải chăng vẫn có một luồng sách cũ, phản động, đồi trụy in lậu, được chuyển đến cho bạn đọc hàng ngày?

Và rất nhiều người đã thực sự giật mình khi đọc những dòng sau đây của Phạm Xuân Nguyên trên tờ Thể thao và Văn hóa (ngày 13-4-2007): “Đọc Dương Nghiễm Mậu là đọc những day dứt, lựa chọn của người trí thức, người sĩ phu trước một hiện tại lịch sử: hành động hay không hành động, hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào...”.

Ông Dương Nghiễm Mậu hành động vì cái gì, hành động theo hướng nào thì chúng ta đã rõ, ngoại trừ ông Phạm Xuân Nguyên và những người chủ trương đưa sách của ông Dương Nghiễm Mậu đến với đông đảo bạn đọc.

Nhà văn VŨ HẠNH

Tin cùng chuyên mục