Vui buồn từ Festival Cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên

Vui buồn từ Festival Cồng chiêng quốc tế Tây Nguyên

Tôi háo hức đi Pleiku. Cồng chiêng Tây Nguyên thì xem mãi rồi, nhưng có dịp thưởng thức và thêm chút hiểu biết về cồng chiêng Đông Nam Á thì hay biết mấy.

19 giờ ngày 12-11-2009. Người ơi là người. Chen chúc đến ngộp thở, giơ thật cao tấm phù hiệu khách mời màu vàng, vào được đến Quảng trường 17-3 thì mọi hàng ghế đã chật. Chẳng phân biệt được ai là dân, ai là khách, thôi thì ai ngồi cũng được, vì sao lại nỡ trách những người muốn được một lần tham dự một lễ hội quốc tế lớn như thế này chứ? Chỉ tiếc rằng, mặc dù ban tổ chức đã đổ 3 bậc đất cao hơn phía sau khán đài, nhưng mọi khán giả đứng sau các hàng ghế đại biểu chỉ có thể nhìn tới 4 tầng sân khấu xa tít tắp, chứ không thể thấy được lòng sân rộng của quảng trường. Khán giả bên ngoài lại càng ít hy vọng được xem, bởi hàng rào người đã chắn ở cả hai đầu đường dẫn vào sân khấu.

Đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn. Ảnh: AN DUNG

Chật kín sân nghệ nhân của 45 đội cồng chiêng thuộc 25 tỉnh thành, từ bộ cồng núm 5 chiếc của người Thái đen (mà cô gái nào cũng da trắng muôn muốt như hoa ban) tận Điện Biên địa đầu phía Bắc, tới dàn cồng 16 chiếc và các nhạc cụ ngũ âm của các nghệ nhân Khmer đạo mạo, đệm cho những chú khỉ Hanuman nghịch ngợm nhảy nhót, đến từ miền đồng bằng Chín Rồng, bên cạnh những con rối lá, rối dây ngộ nghĩnh cười cợt… Hòa vào không khí náo nức đó là tâm trạng vui vẻ của các nghệ nhân Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines cho dẫu kẻ đóng khố, người trong trang phục kín đáo (đoàn Indonesia hôm sau mới tới được).

Cái được nhất của liên hoan có lẽ chính là sự gặp gỡ, không khí hồ hởi và thân mật này. Sau nữa là sự xuất hiện của đa số các “nghệ nhân” trẻ, thế hệ kế tục để bảo tồn “di sản”, không chỉ múa mà còn diễn tấu ching. Không kể các bé em còn nằm trên lưng mẹ, thì nhỏ nhất có lẽ là 2 thành viên Ksor Sia - 6 tuổi và Siu Khái - 8 tuổi của đội Jrai huyện Chư Sê, điêu luyện trong những bước nhảy theo nhịp ching, làm tốn không biết bao nhiêu phim của các nghệ sĩ nhiếp ảnh.

Đến với Festival Cồng chiêng quốc tế lần đầu tiên này, có thể nhận thấy rất nhiều nét tương đồng và khác biệt giữa các dàn cồng chiêng của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Ví dụ như dàn ngũ âm và trang phục của hai đội cồng chiêng Khmer đến từ Bạc Liêu và Sóc Trăng không khác mấy so với cách trình diễn và cơ cấu dàn ngũ âm của Đoàn nghệ nhân Campuchia: từ hàng chục chiếc cồng nhỏ xếp thành từng hai dàn một trên một chiếc giá đỡ hình vòng cung, cho đến bộ trống sazam, trang phục xaroong của các nghệ nhân nam.

Hay đoàn nghệ nhân đến từ Philippines cũng cởi trần đóng khố, đeo chuỗi vòng răng thú và sử dụng 7 chiếc chiêng không có núm, như một số tộc người Tây Nguyên thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer, nhưng lại dùng dùi cứng (trong khi hầu hết các nhóm Tây Nguyên đều dùng dùi mềm). Hoặc nhóm nghệ nhân tộc người Prao của đoàn Lào, lại sử dụng 7 chiếc chiêng có núm, khác với nhóm Brâo (một nhánh khác ở Kon Tum) chỉ có 2 chiếc chiêng không có núm… Hoặc cùng nhóm ngữ hệ Môn - Khmer nhưng tộc người Châu Ro đến từ Đồng Nai lại diễn tấu 8 chiếc chiêng có núm, không có chiêng bằng, như người anh em S’Tiêng, K’Ho cận kề…

Cho dù dưới hình thức diễn tấu nào, thì âm thanh và giai điệu của mọi dàn ching đều có sức lan tỏa, lôi cuốn bởi tính độc đáo riêng biệt của âm nhạc dân gian mỗi tộc người. Đối với những người nghiên cứu cồng chiêng, đây thật là một dịp thú vị để tìm hiểu.

Vui là thế, buồn là gì bạn biết không? Xin hãy cùng tôi quay trở lại với đêm 12-11. Sau màn khai mạc dài dòng, hơn 50.000 người ngồi kín Quảng trường 17-3 ở thành phố Pleiku, lẫn triệu triệu khán giả màn ảnh nhỏ chờ đợi, tiếng ching chêng đã vang lên rộn rã, 3.000 diễn viên và nghệ nhân trên quảng trường cùng rùng rùng chuyển động.

Có thể nói tổng đạo diễn phần âm nhạc: nhạc sĩ Nguyễn Cường đã thành công khi chọn lọc và sắp xếp hài hòa giữa âm nhạc cồng chiêng, dân ca các dân tộc Tây Nguyên và phần nhạc - hát mới (dẫu phần âm nhạc Êđê được dùng làm âm hưởng chủ đạo trong cả hai đêm khai mạc lẫn bế mạc và có tới vài ca khúc của tác giả).

Và trên bốn tầng sân khấu là các tiết mục múa Tây Nguyên, do các sinh viên Trường Đại học VHNT Quân đội trình bày, tạo được vẻ đẹp của hình thể trong những động tác múa Tây Nguyên. Nhưng chiếm trọn vẹn quảng trường và thời lượng đến hơn 60/90 phút của chương trình là các nam nữ thanh niên người mang hoa, kẻ mang khiên, trống, lần lượt xuất hiện hết màn trình diễn này đến màn trình diễn khác, không có chút gì là Tây Nguyên, trong cả động tác múa lẫn trang phục, với đặc trưng là vài trăm bộ váy đầm kiểu dạ hội. May mà camera của Đài Truyền hình Việt Nam chỉ hướng cố định lên sân khấu, nên khán giả màn ảnh nhỏ không phải “thưởng thức” màn trình diễn này, còn những khán giả tại chỗ chỉ thấy ngợp vì ấn tượng ở số người quá đông chính diện ngay trước mắt mà thôi.

Vậy nên sau đêm khai mạc, đông đảo khán giả tại chỗ vừa giải tán, vừa than phiền vì thiếu sự ra mắt cụ thể một cách trang trọng theo đúng thông lệ của cả 40 dàn chiêng trong nước và 5 dàn chiêng ngoài nước (chắc các đạo diễn định thử tài tiên đoán của khán giả qua trang phục và cờ tổ quốc chạy như đuổi bắt trên sân khấu).

Các nghệ nhân đoàn Indonesia biểu diễn.

Các nghệ nhân đoàn Indonesia biểu diễn.

Cũng như suốt 90 phút của chương trình, không hề thấy được sự tôn vinh xứng đáng các “di sản của nhân loại”, khi đạo diễn chỉ cho các đoàn diễn tấu ching và múa hai bên lề quảng trường, sau đó cuối chương trình chạy qua sân khấu chính được một vòng rồi xuống ngay. Điều này Ban tổ chức “để dành” vào đêm bế mạc: tất cả các đoàn đều diễu hành qua khán đài để chào quan khách, tuy nhiên không phải bằng chính âm nhạc ching chêng của họ, mà trên nền nhạc chung của lễ hội.

Chúng tôi tiếc hùi hụi vì lịch biểu diễn xoay vòng lại chỉ có mỗi ngày một buổi, tại những địa điểm cách nhau đến cả chục cây số, nên dẫu muốn lắm cũng không có dịp xem được các đoàn nước ngoài khác như Indonesia, Campuchia hay Myanmar… biểu diễn.

Chưa hết, lễ đâm trâu mừng chiến thắng của các nghệ nhân Bâhnar huyện K’Bang, chỉ là nhảy nhót tượng trưng, vì có người cho rằng “khách nước ngoài phản đối việc sát sinh trâu”. Yang ơi, du khách đâu đến nỗi không hiểu rằng đó là nghi lễ truyền thống trong tín ngưỡng “Vạn vật hữu linh” của Tây Nguyên. Đồng thời họ cũng hiểu như các nghệ nhân rằng “giả dối với các vị thần linh nào phải chuyện đùa”.

Dẫu vui buồn lẫn lộn vậy, cũng phải công nhận rằng: hơn 1.500 nghệ nhân cồng chiêng từ khắp đất nước Việt Nam và năm nước anh em Đông Nam Á, đã hoàn thành sứ mệnh gửi tới nhân loại thông điệp của hòa bình và sự đoàn kết các dân tộc, bằng những âm thanh tuyệt vời của một trong những “Di sản văn hóa phi vật thể truyền khẩu”.

Và những hoạt động khác như: Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao; Hội chợ Làng nghề thủ công truyền thống, Làng ẩm thực; Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật và ảnh về Anh hùng Núp; trưng bày sinh vật cảnh, trưng bày văn hóa truyền thống Tây Nguyên; trình diễn ching chêng, tạc tượng, phục dựng một vài lễ hội cổ truyền… đã thật sự góp phần làm nên thành công của Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 này.

Mong những festival sau sẽ được tổ chức đúng nghĩa hơn và cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh một cách xứng đáng hơn. 

LINH NGA NIEKDAM

Thông tin liên quan

>> Bế mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai: Ngân xa tiếng chiêng cồng

>> Cồng chiêng ngân vang trong lễ mừng lúa mới 

>> Thông điệp về tình đoàn kết các dân tộc

>> Thì chiêng đã vang...

>> Hội thảo quốc tế về cồng chiêng tại Pleiku

Tin cùng chuyên mục