“Dạ cổ hoài lang” vẫn mãi ngân vang

Tiếng nấc của nhạc sĩ Cao Văn Lầu
“Dạ cổ hoài lang” vẫn mãi ngân vang

Ngày 29-7, Hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” do Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu phối hợp cùng Hội Sân khấu TPHCM tổ chức diễn ra tại Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM với sự tham gia của đông đảo giới văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu. Từ hội thảo này đã gợi mở nhiều vấn đề…

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Tiếng nấc của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nghệ sĩ lão thành Lâm Tường Vân đã mở đầu buổi hội thảo bằng một câu chuyện cảm động về vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khi đám cưới, không có tiền phải vay nợ, tiền lời cắt cổ, vợ chồng ông phải đi mò củi lụt, xúc tép rong, quần quật trong rừng để kiếm tiền trả nợ. Sau 3 năm kham khổ, vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu gầy héo, không thể sinh con.

Thân mẫu của nhạc sĩ Cao Văn Lầu lo âu, nếu họ Cao tuyệt tự có phần lỗi của bà không tròn bổn phận với nhà chồng. Bà mật lệnh cho con trai: “Con hãy liệu mà kiếm vợ khác để nối dõi tông đường. Đó là chữ hiếu với con mà mẹ cũng trọn đạo với nhà chồng”. Nhưng nhạc sĩ Cao Văn Lầu thương vợ hiền tần tảo, thủy chung, đâu nỡ nói ra điều ấy.

Nghệ sĩ Bạch Huệ hát bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Nghệ sĩ Bạch Huệ hát bản Dạ cổ hoài lang nhịp 2 của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Một hôm, thân mẫu của nhạc sĩ Cao Văn Lầu gọi con dâu lại, nói rõ nội tình... Vợ nhạc sĩ Cao Văn Lầu đau đớn nói với chồng: “Má không cho mình ở với nhau. Thôi anh cưới vợ khác đi. Em về với cha mẹ”. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đau lòng làm theo mệnh lệnh của mẹ…

Đau buồn, ngày ngày, ông xách đờn ra bìa ruộng, nơi vợ chồng ly biệt lần đầu, đờn theo tâm trạng vợ lúc ấy, hết Xuân nữ đến Nam ai và Trường tương tư… Sau mấy tháng ròng rã, chiều nào nhạc sĩ cũng làm bạn với cây đờn, ra ven đồng để hình dung hình bóng vợ gạt lệ ôm gói đi thất thểu trên đồng khô giữa trời đêm, bước từng bước biệt ly, lòng đau quặn thắt nỗi thương chồng, nỗi tủi phận…

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu vừa viết, vừa khóc và hoàn thành bản nhạc Hoài lang. Nhạc sĩ lại vừa đờn vừa ca mải mê trau chuốt bản đờn. Đến khi nghe tiếng trống điểm canh của lính tuần đêm mới giật mình vì đêm đã khuya. Tiếng trống đánh lên trong khi nhạc sĩ Cao Văn Lầu đờn, ca Hoài lang, vậy là nhạc sĩ thêm 2 chữ Dạ cổ vào tên bản nhạc thành Dạ cổ hoài lang, nói về tâm sự người vợ đêm khuya nhớ chồng…

Sức sống của bản nhạc và những điều đang đặt ra

NSƯT Ngọc Giàu (trái) và NSƯT Phương Quang cùng biểu diễn bài vọng cổ nhịp 32 “áo tình đắp mộ người yêu” của soạn giả – NSƯT Viễn Châu tại hội thảo

NSƯT Ngọc Giàu (trái) và NSƯT Phương Quang cùng biểu diễn bài vọng cổ nhịp 32 “áo tình đắp mộ người yêu” của soạn giả – NSƯT Viễn Châu tại hội thảo

Hai nghệ sĩ trẻ Ngọc Đợi (trái) và Bảo Thanh của Bạc Liêu biểu diễn bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Hai nghệ sĩ trẻ Ngọc Đợi (trái) và Bảo Thanh của Bạc Liêu biểu diễn bài Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Theo thạc sĩ Huỳnh Văn Khải, trong các sinh hoạt đờn ca tài tử hay trong những chương trình ca nhạc tài tử, cải lương phục vụ công chúng, bản Dạ cổ hoài lang là một trong những bản nhạc được yêu thích nhất. Hơn nữa, những âm hình, nét nhạc giai điệu đẹp của bản Dạ cổ hoài lang vẫn luôn tồn tại sinh động trong các bản vọng cổ, góp phần phát triển phong trào đờn ca tài tử, làm phong phú các điệu nhạc dùng trong kịch bản sân khấu cải lương…

Nét đẹp trong nghệ thuật soạn nhạc để hình thành nên bản Dạ cổ hoài lang được xem như một trong những mẫu mực cho thế hệ nhạc sĩ kế thừa nghiên cứu. Mặt khác, hình tượng người phụ nữ Việt Nam được khắc họa cụ thể, sinh động trong bản nhạc đã phản ánh hiện thực đời sống xã hội thời ấy vẫn còn giá trị đến nay.

Các nghệ sĩ cùng xem nhạc cụ cổ nhạc tại hội thảo

Các nghệ sĩ cùng xem nhạc cụ cổ nhạc tại hội thảo

Bà Bùi Hồng Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao bằng ghi nhận và hoa cho con trai thứ sáu Cao Văn Bỉnh của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, NSƯT Thanh Hải và soạn giả – NSƯT Viễn Châu (từ phải sang)

Bà Bùi Hồng Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao bằng ghi nhận và hoa cho con trai thứ sáu Cao Văn Bỉnh của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, NSƯT Thanh Hải và soạn giả – NSƯT Viễn Châu (từ phải sang)

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM cho rằng: “Có thể nói, bản Dạ cổ hoài lang đã trở thành một báu vật của nền âm nhạc cải lương Nam bộ. Sự phát triển của bản nhạc này cho tới bây giờ đã dừng ở bản vọng cổ nhịp 32. Tuy nhiên, theo sự phát hiện của một số nghệ nhân đàn cổ, khi nghiên cứu trên ngón đàn của các nhạc sĩ thì sự phát triển của bản Dạ cổ hoài lang thành bản vọng cổ sau này có mang tính khoa học. Một sự tính toán do nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ, tác giả… làm nên”.

Với những giá trị của Dạ cổ hoài lang, đến giờ và mai sau sẽ vẫn còn vang mãi. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra là hướng tới, khi chúng ta đề nghị công nhận bản Dạ cổ hoài lang là một di sản văn hóa phi vật thể, thì có những vấn đề cấp thiết phải làm.

Theo GS-TS Trần Văn Khê: “Lâu nay, cho dầu đi đâu, ở Úc, Mỹ hay Pháp… nhưng khi nghe bản Dạ cổ hoài lang thì thân xác tại ngoại, tâm lại hướng nội… Nếu mai mốt đây, Dạ cổ hoài lang trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì khi ấy, chắc chắn sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng. Như vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải có những cuộc hội thảo và cả một hội đồng khoa học để cùng nghiên cứu, thảo luận làm sao đưa ra một bản thảo lời ca chính thức của Dạ cổ hoài lang phù hợp với ngôn ngữ Việt thời đó…”.

Đỗ Hạnh

GS – TS Trần Văn Khê

GS – TS Trần Văn Khê

Tin cùng chuyên mục