Liên hoan phim Việt Nam 17 - Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

Đây là một liên hoan phim (LHP) đầy kịch tính và gây xáo động cả giới điện ảnh và báo chí bởi kết quả gây sốc của nó. Người ta có cảm giác như tiêu chí “đổi mới và hội nhập” của LHP đã bị lạm dụng.

Đây là một liên hoan phim (LHP) đầy kịch tính và gây xáo động cả giới điện ảnh và báo chí bởi kết quả gây sốc của nó. Người ta có cảm giác như tiêu chí “đổi mới và hội nhập” của LHP đã bị lạm dụng.

  • Định hướng sáng tác

17 phim truyện nhựa dự thi, nhưng không tìm được giải vàng mà chỉ có 3 giải bạc và 3 giải khuyến khích. Một cuộc xếp hàng ngang như vậy đã nói lên điều gì? Cả ban giám khảo không tìm thấy phim nào nổi trội để xứng đáng trao giải vàng. Đó là một cách nói nhưng dư luận ngờ rằng nội bộ ban giám khảo có cuộc đấu tranh giữa hai luồng tư tưởng, mà có lẽ chính cái tiêu chí “đổi mới và hội nhập” đã là chỗ dựa đáng kể cho một số người, quyết đẩy lùi bộ phim Mùi cỏ cháy xuống cùng hàng với Hot boy nổi loạn… và Vũ điệu đam mê.

Thực sự, trong điện ảnh, hai từ “đổi mới” là cực kỳ mông lung. Bởi sự cảm nhận đúng nghĩa của nó là tùy theo quan điểm của từng người. Đổi mới theo một số người là đề tài phải hiện đại, phải theo đúng trào lưu của giới trẻ. Nhưng là giới trẻ nào? Sành điệu thượng lưu hay là những người trẻ đang vùi đầu trong các phòng thí nghiệm và các trường đại học, trong công trường nhà máy hay chân lấm tay bùn ở nông thôn? Người ta say sưa đi theo những điệu nhảy cuồng nhiệt hip hop vì biết đó là đề tài mà các cậu ấm, cô chiêu thích.

Và đó mới chính là nơi cái ví tiền vung ra thoải mái trong các rạp chiếu bóng sang trọng ở các TP lớn. Sân khấu, điện ảnh, truyền hình hiện nay đang bội thực với đề tài đồng tính, các nhà sản xuất đua nhau khai thác từ mọi ngóc ngách của giới đồng tính vì coi đây là vấn đề thời thượng. Nhưng hầu hết đều đem người đồng tính ra trình diễn như một trò mua vui, còn Hot boy nổi loạn… của Vũ Ngọc Đãng có một cách tư duy khác, một cách thể hiện có tính nhân văn hơn. Vì thế, bộ phim đã được sự đồng thuận của công chúng và báo chí khi công chiếu.

Nhưng đề tài được cho là hiện đại ấy chỉ là một mảng tối của xã hội, nó được chấp nhận do tâm lý tò mò lẫn cảm giác khó chịu bởi sự phô diễn khá lạm dụng những màn nude của những chàng điếm đứng đường. Thông điệp của Vũ Ngọc Đãng trong phim có gì mới? Bởi hiện nay, có vô khối người đồng tính thành công và nổi tiếng trên mọi lĩnh vực nghệ thuật và kinh doanh nhưng xem Hot boy nổi loạn… có cảm giác như hễ ai đồng tính là chỉ có một con đường là đi đứng đường vậy(?!). Vì thế, khi đem bàn cân để cân cả hai phim này cùng với Mùa cỏ cháy là một cách đánh đồng làm thương tổn tâm huyết người làm phim, thương tổn những giọt máu thiêng liêng đã ngã xuống cho dân tộc.

Hãy nhìn công chúng đi xem phim Mùa cỏ cháy để hiểu cho chính xác giới trẻ Việt Nam. Hãy đứng nhìn những đôi mắt còn đỏ ửng của những chàng trai, cô gái mặc đồng phục học sinh vây quanh các anh bộ đội trong phim để được chụp ảnh chung mới thấy được rõ tác động mãnh liệt của bộ phim đem đến cho người xem như thế nào? Bởi vì mọi người đã xem phim bằng trái tim rung động của người được thụ hưởng cuộc sống hòa bình từ dòng máu đỏ lòa cả dòng sông Thạch Hãn 40 năm xưa. Vì thế, rất nhiều người đã thất vọng và khó hiểu khi một đề tài thiêng liêng của dân tộc với cách thể hiện làm lay động lòng người dường ấy, lại xếp chung hàng với vũ điệu hip hop và chuyện người đồng tính…

Một LHP được gọi là thành công hay không chính là ở kết quả giải thưởng. Bởi đó chính là định hướng sáng tác cho những nhà làm phim sau đó. Phim Vũ điệu đam mê đứng trên Long thành cầm giả ca cũng như giải diễn viên xuất sắc cho Mỹ Hạnh là một nghịch lý khó hiểu…

  • Chuyện dài chưa có hồi kết

“Điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” là đề tài của nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm được người trong cuộc lặp đi lặp lại quá nhiều lần nhưng chỉ để nghe với nhau, rồi đâu cũng vào đấy. NSND Hải Ninh đề nghị nên kết hợp điện ảnh và truyền hình làm một, đề nghị nên nghiên cứu cách tổ chức Trung tâm Điện ảnh của Pháp, có sự tài trợ lớn của ngân sách quốc gia cho điện ảnh, nghiên cứu cách làm phim của Hàn Quốc và cách làm phim đậm đà bản sắc dân tộc mà ít tốn tiền của Iran.

GS-TS Trần Luân Kim đề nghị thống nhất đầu vào và đầu ra trong điện ảnh. NSND Huy Thành cho rằng, thời trước, phim làm xong là chiếu cho Bác Hồ xem, Thủ tướng góp ý chứ không phải chỉ có bộ trưởng tham dự đâu. Có một phim như Mùa cỏ cháy là coi như LHP đã thành công. Vì vậy, ngân sách phải chi đủ tiền để bằng mọi cách phim được chiếu rộng rãi trong công chúng.

Thông tin từ TS Ngô Phương Lan, Cục phó phụ trách Cục Điện ảnh, là doanh thu điện ảnh của chúng ta hiện là 26 triệu USD, gấp 13 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên, theo bà Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam, doanh thu ấy có được từ phim nước ngoài và lãi lớn rơi trọn vào Tập đoàn MegaStar. Chính quyền Mỹ đã khuyến cáo họ nên trích phần lãi ấy cho Việt Nam, nhưng tại  sao ta lại không buộc họ phải thực hiện điều đó?

Điện ảnh vẫn cứ thế, dù cuộc chấn hưng điện ảnh lần 1, Nhà nước đã từng bỏ ra 265 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị về và thành lập Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh nhưng máy móc vẫn trùm mền vì không có chuyên viên sử dụng (?!), còn các đoàn phim thì tiếp tục đi làm hậu kỳ và kỹ xảo ở nước ngoài. Một nền điện ảnh không có phim trường, làm hậu kỳ phải sang nước ngoài, con người cho cả bộ máy vận hành điện ảnh lèo tèo trên đầu ngón tay, liệu có thể gọi đó là gì nếu không phải là “nền điện ảnh đối phó”. Chúng ta đã không bắt đầu từ gốc mà chỉ muốn hưởng lộc từ cái nền nhà mỏng manh bên trên…

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh không hề hứa chắc một điều gì ngoài việc đề nghị Cục Điện ảnh soạn thảo chiến lược thành lập Quỹ Điện ảnh, và trước mắt quyên tiền từ các hãng phim tư nhân (?). Có lẽ cuộc chiến đấu giữ gìn truyền thống thiêng liêng của dân tộc vẫn tiếp diễn với niềm hy vọng về một đoạn kết mới mẻ hơn.

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục