Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Một bộ phim bóp méo lịch sử dân tộc

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Một bộ phim bóp méo lịch sử dân tộc

* VTV thông báo chưa phát sóng phim này

Ngày 8-6, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đã chính thức thông báo: VTV chưa phát sóng bộ phim “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long” vào 30-6-2011 như dự kiến. Ông Trần Bình Minh cũng khẳng định VTV sẽ có trách nhiệm thẩm định bộ phim này trước khi phát sóng. PV Báo SGGP đã gặp GS sử học LÊ VĂN LAN (ảnh), trao đổi xung quanh vấn đề này.


* PV: Thông tin chính thức từ VTV là sẽ dừng, chưa phát sóng bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long vào thời điểm này. Giáo sư đón nhận tin này như thế nào?

* GS LÊ VĂN LAN: Xin hoan nghênh và cảm ơn VTV vì họ đã làm một việc thuận lòng người và thuận tình thế vào lúc này. Là nhà sử học duy nhất tham gia hội đồng duyệt phim, tôi đã trình bày kỹ lưỡng những điều không phù hợp với lịch sử, với văn hóa Việt của bộ phim này ngay từ những lần duyệt đầu tiên. Thậm chí tôi còn cho rằng đó còn là một bộ phim bóp méo lịch sử dân tộc ta. Theo tôi, không chỉ thời điểm này, mà dù ở thời điểm nào cũng vậy, bộ phim Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long cũng không phù hợp với văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam.

* GS có thể dẫn chứng cụ thể về việc bộ phim đã bóp méo lịch sử?

* Về cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980-981) đây là niềm tự hào của tất cả những người Việt Nam chân chính. Nhưng phim lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi có tên là Chu Tước - mà không rõ là ngọn núi đó ở đâu. Đến lần xem phim thứ hai và lần duyệt cuối cùng, sau ý kiến phản kháng kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta thời đó vào trận đánh ở núi Chu Tước.

Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, được tô đậm bằng những trường đoạn rùng rợn, thậm chí có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Đinh Liễn, đã bị giết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất phản cảm.

* Còn về các nhân vật lịch sử đã được thể hiện trong bộ phim này thế nào, thưa GS?

* Tất cả mọi người Việt Nam đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là một nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào kênh nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Nhưng trong phim này, Lê Hoàn lại hiện ra như một ông vua xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng cái gọi là “vườn ngự uyển”, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt cả Lý Công Uẩn vì đã dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa. Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì lại để cho giặc cỏ bắt được. Rồi lại sa thải các trung thần. Tóm lại là một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép, tôn vinh.

Riêng trường hợp Thái hậu Dương Vân Nga, mặc dù có một số ý kiến cho rằng làm phim thì có quyền được sáng tạo, song tôi không đồng tình việc sáng tạo lại xuyên tạc lịch sử. Đây là một nhân vật được lịch sử khẳng định, là người thông tuệ, sắc sảo và quyết đoán trong những tình huống cam go, thế nhưng phim lại xây dựng một Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, thậm chí còn treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình.

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó xuyên tạc lịch sử, mà còn khiến việc giáo dục về truyền thống của dân tộc ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long

Một cảnh trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long



* Được biết, phim đã qua 3 lần góp ý chỉnh sửa, vậy những điều ông góp ý như sự sai lệch về lịch sử, những cảnh rùng rợn, phản văn hóa như vậy có được tiếp thu sửa chữa?

* Không, vẫn còn nguyên cho tới lần duyệt phim cuối cùng. Việc sửa chữa chỉ qua loa một vài tình tiết được coi là dài dòng, còn cái dụng ý làm không đúng lịch sử Việt Nam thì họ không chịu sửa.

* Ông nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng đây là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt”?

* Còn nguy hiểm hơn thế! Nó là phim truyền bá tư tưởng ngoại lai thông qua ngôn ngữ nghệ thuật và bằng tiếng Việt, không có lợi cho việc giáo dục truyền thống, không phù hợp với lịch sử. 

THU HÀ thực hiện

Tin cùng chuyên mục