Giải thưởng không tên

Những ngày qua, báo chí, giới văn nghệ sĩ và dư luận quan tâm nhiều quanh việc đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Thực tế, công chúng yêu chuộng và quan tâm đến sự phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà không hề mong có những cuộc tranh luận quanh chuyện danh hiệu như thế trong giới văn nghệ sĩ - những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Những cuộc tranh luận, kiện cáo đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đang vô tình tạo ấn tượng không hay về cách ứng xử giữa một số người làm văn hóa với nhau. Đó là điều đáng buồn!

Rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Vấn đề giải thưởng quan trọng đến thế ư? Một nghệ sĩ tên tuổi đã phát biểu trên một tờ báo thừa nhận thực tế rằng, hễ có việc xét trao giải thưởng là có kiện cáo. Một sự thật kém vui đối với giới làm nghệ thuật và nó đang gây thắc mắc về sự công tâm...

Suy ngẫm, hẳn là nhiều nghệ sĩ hiểu thấu vấn đề: chính lòng yêu thương, mến mộ, sự kính trọng của công chúng dành cho nghệ sĩ mới là điều quan trọng, được xem như một giải thưởng không tên nhưng có ý nghĩa cao quý nhất đối với cuộc đời người làm nghệ thuật! Giải thưởng ấy không phải ai trong giới văn nghệ sĩ cũng có thể đạt được, vì công chúng chỉ dành cho những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật có hiệu quả đích thực, có những nỗ lực phát triển tư duy, trui rèn nhân cách, giữ gìn đạo đức, liên tục học hỏi để nâng cao chất lượng sáng tác, biểu diễn… hết mình phục vụ công chúng. Giải thưởng ấy không thể mua bằng tiền, không thể có được nhờ sự quen biết. Có những nghệ sĩ, đã mất lâu rồi mà vẫn giữ được độ “nóng” của giải thưởng với thời gian, chinh phục bao trái tim và tình cảm của khán giả hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Đó là điều quý giá nhất, có giá trị nhất trong cuộc đời hoạt động của người nghệ sĩ.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục