Kế thừa và bước tiếp

Hơn 200 bức ảnh quý đang triển lãm tại Nhà văn hóa Điện ảnh (quận Tân Bình, TPHCM), đã dẫn người xem hình dung về những sự kiện, con người, tác phẩm tạo nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) trong 60 năm qua.
Kế thừa và bước tiếp

Hơn 200 bức ảnh quý đang triển lãm tại Nhà văn hóa Điện ảnh (quận Tân Bình, TPHCM), đã dẫn người xem hình dung về những sự kiện, con người, tác phẩm tạo nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) trong 60 năm qua.

Một chặng đường điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đi qua, có gian khổ, khó khăn; có mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người nghệ sĩ đã đổ xuống, để lại cho đời những thước phim, hình ảnh vô giá, nhiều tác phẩm để đời… Những ngày làm phim gian khó trong chiến khu; những bộ phim tạo dấu ấn và đạt nhiều giải thưởng cả trong nước lẫn ngoài nước; những tên tuổi đạo diễn, quay phim đặt những viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh nước nhà…

Khán giả gặp lại nhiều hình ảnh trong những bộ phim “kinh điển” của ĐAVN, như: Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Nổi gió, Đến hẹn lại lên, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Bao giờ cho đến tháng 10, Thị xã trong tầm tay… và những hình ảnh cảm động về những ngày làm phim trong chiến khu - thiếu thốn, thô sơ, nhưng vẫn nhận được sự quan tâm hết lòng của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương.

Một trong số những hình ảnh tư liệu quý được trưng bày.

Một trong số những hình ảnh tư liệu quý được trưng bày.

Trong hành trình dài 60 năm ấy, chúng ta có quyền tự hào về sức lao động, sáng tạo của đội ngũ anh em nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên của điện ảnh Việt Nam; dù khó khăn vẫn cho ra đời nhiều tác phẩm, phục vụ đồng bào, nhân dân. Những con số đã nói lên được rất nhiều ý nghĩa: Từ năm 1953 - 1975, ĐAVN đã sản xuất được 982 phim tài liệu, 66 phim truyện và 54 phim hoạt hình; có 336 đơn vị chiếu bóng, tổ chức phục vụ được 113.316 buổi chiếu. Từ năm 1976 - 1986: có 829 phim tài liệu, 306 phim truyện và phim hoạt hình; đây là giai đoạn được xem “thời hoàng kim” của ĐAVN với nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao trong nước lẫn nước ngoài.

Từ năm 1987 - 2012, nhiều đổi mới trong hoạt động điện ảnh, đã đem lại cho ĐAVN “sinh khí” mới, cái nhìn mới và một thế hệ làm phim mới - trẻ đầy sáng tạo, năng động; vài sự kiện nổi bật thời kỳ này như: Luật Điện ảnh ra đời; chính sách xã hội hóa điện ảnh - Nhà nước đồng ý cho tư nhân tham gia làm phim; ngày 15-3-2010 chính thức trở thành Ngày Điện ảnh Việt Nam; sự góp mặt tích cực của các nhà làm phim Việt kiều; Việt Nam đã sản xuất được phim định dạng 3D… Thời kỳ này, đã có gần 500 phim truyện được sản xuất.

Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ, ngành điện ảnh đã có 163 liệt sĩ ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Điều ấy cho thấy, cá nhân những người làm điện ảnh, cùng các tác phẩm điện ảnh đã đóng góp một phần không nhỏ trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Một chặng đường đã đi qua, những người làm ĐAVN, khán giả hôm nay nhìn lại để thấy quý trọng hơn những đóng góp - cả xương máu và công sức của lớp cha anh để ĐAVN có được những thành tựu rất đáng tự hào, buộc thế hệ tiếp nối phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Trên nền tảng đáng tự hào ấy, dù xã hội đã có nhiều thay đổi, ĐAVN đã có một thế hệ trẻ kế thừa với nhiều thuận lợi hơn trong việc làm phim; nhưng việc gìn giữ truyền thống, cùng trách nhiệm phải làm ra những bộ phim mang tầm vóc, xem ra không thể thiếu vai trò cùng sự quan tâm của nhà nước, của cơ quan quản lý văn hóa. Đầu tư kịp thời, đúng người, đúng việc trên tinh thần thừa kế và phát huy thế mạnh sẵn có, tin rằng ĐAVN sẽ tiếp tục có những tác phẩm để đời.

Kế thừa truyền thống, trong giai đoạn mới, để ĐAVN mau cất cánh thì không thể thiếu những bộ phim “bom tấn” có giá trị nghệ thuật cao, thu hút được đông đảo công chúng đến xem, đạt doanh thu “khủng”, đủ sức “đem chuông đi đánh xứ người” trong các liên hoan phim quốc tế, do chính các hãng phim nhà nước sản xuất và phát hành. Bên cạnh đó chúng ta luôn khích lệ sự năng động, sáng tạo, cạnh tranh của các hãng phim tư nhân. Điều này sẽ ghi thêm dấu ấn đẹp cho điện ảnh cách mạng Việt Nam và khẳng định thương hiệu uy tín của hãng phim nhà nước. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục