Thu hồi được không?

Mới đây, để ngăn chặn hiện tượng phát tán băng đĩa lậu Bụi đời Chợ Lớn, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng và chỉ đạo phòng văn hóa, thông tin các quận, huyện tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và thu hồi băng, đĩa phim không được phép phổ biến này.

Mới đây, để ngăn chặn hiện tượng phát tán băng đĩa lậu Bụi đời Chợ Lớn, Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có công văn gửi sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng và chỉ đạo phòng văn hóa, thông tin các quận, huyện tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm và thu hồi băng, đĩa phim không được phép phổ biến này.

Mặc dù công văn đề nghị kết quả kiểm tra xử lý phải gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 31-7 để tổng hợp báo cáo nhưng trên thực tế có thể nhận thấy, việc thu hồi chẳng đáng bao nhiêu so với số lượng đĩa in sao trái phép đã được phát tán. Đến nay, tuy có phần lắng dịu, các bản đĩa lậu Bụi đời Chợ Lớn vẫn được bày bán nhan nhản như thách thức dư luận và hệ thống thực thi pháp luật trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều người am tường cho rằng, dù Thanh tra Bộ và các sở có nỗ lực, cố gắng thực sự trong việc thu hồi đi chăng nữa thì việc “quét sạch” được hoạt động phát tán, mua bán các bản đĩa lậu Bụi đời Chợ Lớn trên thực tế là bất khả. Xem ra, lệnh cấm chiếu đã vô hiệu mà lệnh thu hồi cũng chìm xuồng. Trước những bế tắc trong việc thực hiện lệnh cấm đối với Bụi đời Chợ Lớn, nhiều đạo diễn trong giới làm phim cho rằng, lệnh cấm khi đã được đưa ra phải có sức nặng, phải có sức răn đe và phải hiệu quả, nếu không sẽ tạo tiền lệ xấu về sau.

Tình cảnh này gợi nhớ tới không ít lần những lệnh cấm và thu hồi như trên cũng được đưa ra đối với các xuất bản phẩm lậu có nội dung độc hại, vi phạm thuần phong mỹ tục hay phản động, chống phá Nhà nước… trước đây. Trong một vài trường hợp, chính những lệnh cấm và thu hồi như trên lại còn có tác dụng ngược khi góp phần kích thích sự tò mò của công chúng đối với các sản phẩm ấy khiến tình trạng phát tán lậu càng khó kiểm soát.

Nhiều khi có cảm giác, những lệnh cấm trên đưa ra chỉ mang tính… thủ tục, kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”, “ném đá ao bèo” bởi sau lệnh cấm thì mọi chuyện đâu lại vào đấy, chẳng giải quyết được gì. Hệ quả là hiệu lực pháp lý và tính răn đe của những lệnh cấm như trên ngày càng kém, lâu dần có thể tạo ra sự lờn luật!

Đương nhiên, về quản lý nhà nước, việc nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo kiểm tra, thu hồi của cơ quan chức năng, ở đây là Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng như các cấp ngành có liên quan, là điều cần thiết. Vấn đề đặt ra là vì sao hiệu lực và tính khả thi của các chế tài trong lĩnh vực văn hóa thường rất kém, ít đi vào cuộc sống? Cứ quy định một đằng, thực tế diễn ra một nẻo. Chưa kể, tình trạng “cấm và thu hồi trên… giấy” không chỉ tồn tại mới đây và không chỉ tới Bụi đời Chợ Lớn nó mới bộc lộ mà là chuyện lưu cữu đã tồn tại rất nhiều năm qua.

Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của ngành văn hóa. Tuy nhiên, có thể thấy, trong trường hợp này và cả với các xuất bản phẩm lậu nói chung, vấn đề chủ yếu nằm ở lợi ích kinh tế. Vậy dùng biện pháp kinh tế để điều chỉnh xem ra là tối ưu nhất. Cứ lấy lợi nhuận thu được từ một đĩa lậu nhân với số lượng đĩa có khả năng bán ra để có con số lợi nhuận (ở mức tương đối) trong hoạt động này, từ đó tính toán đưa ra một mức phạt đủ sức răn đe, ít nhất để những kẻ kinh doanh cảm thấy lợi nhuận thu được không đủ hấp dẫn để phải mạo hiểm (và trong một vài trường hợp có thể đưa ra xử lý hình sự) thì khả năng hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tương tự là điều hoàn toàn có thể tính đến. Vấn đề còn lại là yếu tố con người, bởi khi đó, nhất thiết bộ máy thực thi phải thực sự liêm chính và công minh, nếu không có thể sẽ nảy sinh những hệ lụy khác còn nguy hại hơn.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục