Những quy định “chết yểu”

Thời gian qua, khá nhiều quy định trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đưa ra đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều quy định trong số đó đã phải bãi bỏ hoặc tự “chết yểu” vì không khả thi.
Những quy định “chết yểu”

Thời gian qua, khá nhiều quy định trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đưa ra đã vấp phải sự phản ứng của dư luận. Nhiều quy định trong số đó đã phải bãi bỏ hoặc tự “chết yểu” vì không khả thi.

Những quy định “chết yểu” ảnh 1

Sau nhiều lần ban hành và dự thảo, cho đến nay quy định về cấp phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật vẫn không thể thành hiện thực



Xa rời thực tiễn

Mới đây, khi nghị định về hoạt động nhiếp ảnh (Nghị định 72/2016) được ban hành và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8 tới đây đã làm dấy lên không ít lo ngại xung quanh việc, phải chăng việc giới thiệu, phổ biến ảnh trên Facebook, website cá nhân... cũng phải xin cấp giấy phép từ cơ quan quản lý văn hóa? Cơ sở của lo ngại này là tại khoản 9, điều 3 của nghị định giải thích: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng Internet”. Trong khi đó, điều 11 của nghị định đưa ra quy định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”.

Quy định trên đã vấp phải ý kiến băn khoăn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu áp dụng theo quy định này thì không chỉ hoạt động nhiếp ảnh mà nhiều thứ liên quan đến đời sống riêng tư, cá nhân chắc chắn bị xáo trộn. Hiện nay, cả nước có hơn 30 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, hàng triệu người dùng Instagram và việc đăng tải hình ảnh lên các tài khoản cá nhân diễn ra thường xuyên, vậy có phải xin phép hay không? Nếu có, vậy cơ quan quản lý nhà nước nào đủ sức đảm nhận việc cấp phép này? Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quy định này rồi sẽ nối dài thêm danh sách những quy định “chết yểu” vì xa rời thực tiễn cuộc sống.

Trước đó, thông tư số 01/2016 của Bộ VHTT-DL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 15 và 79 của Chính phủ quy định các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện gồm: chụp ảnh, ghi hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông cũng đã nhận khá nhiều ý kiến phản ứng của dư luận.

Trước phản ứng của dư luận, Bộ VHTT-DL đã phải tiến hành lấy ý kiến đóng góp về việc xây dựng dự thảo “Thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP” như một động thái điều chỉnh và sửa đổi lại Thông tư 01 liên quan đến quy định cấm các người đẹp, người mẫu chụp rồi phát tán ảnh nude phản cảm lên mạng.

Một trong những quy định bị cho là kỳ quặc nhất, có lẽ là quy định “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài” tại Nghị định 105 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Ngay lập tức, dư luận “ném đá” việc dùng biện pháp hành chính cấm đoán một hành vi văn hóa mang tính truyền thống, rất riêng tư của mỗi người. Và rốt cục, văn bản này cũng bị cơ quan chức năng kiến nghị hủy bỏ.

Quy định “chết đi sống lại rồi lại… chết”

Câu chuyện điển hình của tình trạng quy định ban hành đi ban hành lại nhưng vẫn không thể đi vào thực tế cuộc sống có lẽ là quy định về cấp thẻ hành nghề trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật. Trên thực tế, hoạt động này được khởi xướng từ năm 1999 nhưng bị chết yểu sau 3 năm triển khai, do chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính và bãi bỏ các loại giấy phép con. Đã có gần 10.000 văn nghệ sĩ trong cả nước được cấp thẻ trong giai đoạn này nhưng rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng bởi chẳng ai sử dụng tấm thẻ hành nghề này trong thực tế.

Tiếp đó, đầu năm 2014, Bộ VHTT-DL tiếp tục phê duyệt đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu nhưng rồi quy định này cũng chỉ “nằm im”. Cho đến cuối năm 2015, câu chuyện thẻ hành nghề lại nóng lên khi Bộ VH-TT-DL báo cáo Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 79, trong đó quy định rõ về việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 79/2012/NĐ-CP được Chính phủ thông qua ngày 15-3 vừa qua đã không đề cập đến nội dung cấp thẻ hành nghề biểu diễn cho nghệ sĩ bởi không nhận được sự đồng thuận.

Theo luật sư Trần Hải Đức, Điều hành Công ty Luật TDL, thời gian qua, có một số văn bản pháp luật (gọi tắt là Luật) được ban hành (Thông tư, Nghị định…, thậm chí cả một số bộ Luật) nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành nghị quyết lùi hiệu lực thi hành.Lý do là vì có nhiều sai sót trong quá trình soạn thảo, nhưng quan trọng nhất là có nhiều điều luật khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn (thậm chí chưa có hiệu lực thi hành) bộc lộ nhiều điểm không phù hợp, không đúng, không sát thực tế nên không thể thực hiện được. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở riêng Bộ VH-TT-DL mà còn là thực trạng chung của không ít bộ ngành mà hệ quả cuối cùng là người dân “lãnh đủ”.

Luật sư Nguyễn Hải Đức đề xuất: “Ngay bản thân Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật dù đã qua nhiều lần sửa đổi nhưng rất tiếc không có quy định cụ thể về chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi các văn bản luật được ban hành nhưng không thể áp dụng được. Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng các văn bản luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên ban hành cơ chế cụ thể trong việc giao đấu thầu việc dự thảo văn bản luật, có chế tài khen thưởng, xử phạt cụ thể để huy động được sức mạnh trí tuệ của các cơ quan, tổ chức, công dân tham gia hiến kế, góp ý xây dựng hệ thống pháp luật có chất lượng ngày càng cao, phù hợp với thực tiễn cuộc sống”.

Một văn bản pháp luật ra đời phải có giá trị thực tiễn, phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống. Những quy định pháp luật “chết yểu”, xa rời thực tiễn cuộc sống ra đời không chỉ gây tốn kém, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của xã hội (suy cho cùng cũng là từ tiền thuế của người dân) mà trên hết nó sẽ góp phần làm xói mòn niềm tin của người dân vào năng lực làm luật của cơ quan nhà nước.

Việc bộc lộ các yếu kém nói trên, theo luật sư Trần Hải Đức có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn nhất là chất lượng của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ chịu trách nhiệm soạn thảo dự thảo dự án luật thiếu sự nghiên cứu thực tế, tham khảo, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật nên chất lượng của văn bản luật không đạt yêu cầu, không thể đưa vào áp dụng trong thực tiễn, gây tác hại rất lớn đối với xã hội, tốn kém thời gian, công sức và tài sản của nhà nước.

 Khắc Thi

Tin cùng chuyên mục