Thức ăn đường phố - Mối nguy thời khuẩn tả!

Thức ăn đường phố - Mối nguy thời khuẩn tả!

Việc phát triển các loại hình thức ăn đường phố là một nhu cầu tất yếu của xã hội, đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận tiện này là những mối nguy hại tới sức khỏe, tính mạng khách hàng, thậm chí là cả cộng đồng.  

  • Bẩn: Chuyện thường ngày
Thức ăn đường phố - Mối nguy thời khuẩn tả! ảnh 1

Hàng ăn rong ngay giữa khu buôn bán gia cầm

Hơn 6g chiều, ngã tư Ô Chợ Dừa - Đê La Thành vẫn tắc nghẹt. Khói xe, bụi và cái nóng oi bức đầu hè khiến cho không khí cùng ngột ngạt. Lúc này, ngay phía cổng chính chợ Đê La Thành, 2 hàng thịt sống và 3 hàng đồ ăn chín được kéo ngay ra sát vệ đường để bày bán, phía dưới là dòng cống đen ngòm, các thứ bày bán không hề được che đậy bằng bất cứ thứ gì.

Mùi ôi oai của thịt chiều khiến cho ruồi nhặng kéo đến bu lên cả những miếng thịt sống và thịt chín. Mỗi khi có người hỏi mua, chủ hàng vơ vội lấy chiếc que đầu buộc túm dây ni lông cáu bẩn khua vội vội vài lượt. Quả thật, cảnh tượng không lấy gì làm sạch sẽ trên là chuyện thường thấy trên trên nhiều đường phố và khu vực chợ của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác.

Thậm chí “cái bẩn” ở đây không chỉ ở những hàng quán lưu động trên đường hay ở nơi chợ búa mà còn diễn ra ở nhiều cửa hàng, cửa hiệu. Tại một hàng phở có tiếng trên đường Th. (Hà Nội), tấm biển cam kết cơ sở đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đóng dấu đỏ chót được dán ngay ngắn trước cửûa. Nhưng những gì diễn ra phía sau cửa hàng lại là những điều trái ngược hoàn toàn với cam kết. Nhìn những tô phở nóng nghi ngút khói, mấy ai có thể tưởng tượng rằng chúng được làm ra bằng một quy trình vô cùng mất vệ sinh.

Lặng lẽ đi ra phía sau quán, trước mắt tôi là khoảng sân nhỏ, trên đó những đống thịt bò, xương, hành, rau được xếp lổng chổng trên nền xi măng nhầy nhụa bùn đất và mỡ. Gần đó, 2 nhân viên của quán đang lúi húi rửa bát đũa trong một chậu nước đen sánh như nước cống, xung quanh chậu mỡ bò bám lâu ngày mốc đen kịt. Bát đũa rửa xong được tráng qua một lần nước, sau đó được úp  vào một chiếc rổ lớn cũng đầy mỡ vứt chỏng chơ dưới nền. Vậy mà không hiểu sao quán vẫn đông khách?

Tại TPHCM, sau khi có thông tin bệnh nhân đầu tiên được xác định mắc bệnh tả tại KP2, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và con gái của bệnh nhân này cũng được xác định dương tính với vi khuẩn tả, sáng 13-4, chúng tôi có mặt tại khu vực này. Dọc tuyến Kha Vạn Cân, các quán ăn vỉa hè nằm hai bên đường ray xe lửa vẫn tấp nập khách hàng, dù theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các khu dân cư dọc hai bên tuyến đường ray xe lửa đi qua là rất cao, song, những quán ăn ở đây vẫn “dập dìu” khách.

Tại tất cả các quán ăn vỉa hè này, chúng tôi quan sát thấy chén bát mà khách hàng ăn xong được các chủ quán thu gom lại cho vào một thùng nước rửa qua loa rồi lau lại bằng một cái khăn vừa là khăn lau chén kiêm cả khăn lau tay nhờ nhờ màu cháo lòng, sau đó tiếp tục đem cho những khách hàng mới đến quán dùng.

Khu vực trước cổng Khu chế xuất Linh Trung I, khu học xá Đại học Thủ Đức, các quán ăn vỉa hè cũng vẫn tấp nập người ăn. Nhìn một chủ quán sau khi làm vịt xong, chao qua nước có một lần, nước thải đổ ra ngay bên cạnh, rồi bỏ vịt vào nồi có sẵn thứ nước màu ngà ngà, váng dầu mờ mờ nổi trên mặt nước để luộc, tôi rùng mình. Vòng quanh khu học xá đại học này là vùng đất cao, thiếu nước, một xô nước có khi được dùng qua 2-3 lượt khác nhau!

  • Thờ ơ trước dịch bệnh

Tại ngã ba Lê Văn Quới- Đất Mới (quận Bình Tân), một người đang ngồi  nhậu cho biết: “Bệnh ở đâu tuốt trên Thủ Đức mà lo gì, tui ăn nhậu ở đây hoài, có sao đâu!”. Chủ quán này cho biết: “Khách hàng chủ yếu là đàn ông con trai đến nhậu, mà mấy ông đó nhậu “tê” rồi, chẳng quan tâm chi tới bệnh nữa!”.

Ngay tại một quán ăn ở khu phố 2 phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, nơi phát hiện 2 ca dương tính với phẩy khuẩn tả (tính đến thời điểm này), chị Út, một khách hàng đang ăn sáng tại một quán vỉa hè ở đây nói: “Mới đây, tôi có nghe thông tin ở khu vực này có người bị mắc bệnh tả. Biết là vậy nhưng sáng ngủ dậy muộn đâu có kịp nấu ăn nên đành ra đây ăn cho tiện. Có lẽ, mình không ăn mắm tôm là được; còn rau, nước lèo thì chắc không sao!?”.

Còn một công nhân đang ăn dở tô canh bún ở đường Nguyễn Đình Chiểu quận 3, sáng 14-4, thì tỏ vẻ bực dọc khi chúng tôi hỏi anh về nguy cơ lây lan dịch bệnh: “Đang ăn uống mà tiêu chảy với bệnh tả gì. Công nhân bọn tui có cái ăn là may lắm rồi, quan tâm chi tới mấy thứ đó(!?)”. Món canh bún mà anh công nhân kia đang ăn có đủ rau sống, mắm tôm, những thứ có nguy cơ gây bệnh tả cao nhưng anh và nhiều người nữa không hề quan tâm, vẫn mỗi người một tô ăn cho xong buổi sáng để còn vô công trường cho kịp giờ làm.

  • Tiềm ẩn mối nguy hại

Theo khái niệm của Tổ chức Y tế thế giới, thức ăn đường phố là những đồ ăn, thức uống được làm sẵn hoặc chế biến, nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, những nơi công cộng. Có 3 loại thức ăn đường phố: bán trong cửa hàng cố định, bán trên hè phố và bán rong. Hiện nay, cả 3 loại hình này đang phát triển rất mạnh không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều đô thị lớn khác trong nước. Việc phát triển các loại hình thức ăn đường phố trên là một nhu cầu tất yếu của xã hội, với việc đem lại nhiều thuận tiện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên song hành cùng sự thuận tiện này là những mối nguy tới sức khỏe, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng.

Theo ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong vòng 3 năm trở đây đã có trên 55 vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố gây ra làm hơn 1.300 người tử vong. Điều tra mới đây của Bộ Y tế về thức ăn đường phố tại 11 địa phương cho thấy, hầu hết bàn tay của người kinh doanh, chế biến thức ăn đường phố đều bị nhiễm vi khuẩn E.coli như Hà Nội là 43,42%, TPHCM 67,5%, Đà Nẵng 70,7%.

Nguy hiểm hơn, các thực phẩm, thức ăn cho dù đã được nấu chín nhưng qua kiểm tra vẫn phát ra nhiều vi khuẩn gây bệnh nguy hại. Tại Nam Định, 100% mẫu các loại giò, chả, nem chua, lòng heo chín có vi khuẩn E.coli, còn tại TPHCM là 90% bị nhiễm E.Coli; ngoài ra mặt hàng kem bán tại các cổng trường học ở đây cũng nhiễm tới 96% có vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục