Phản hồi về loạt bài về kẹt xe ở TPHCM - Tập trung điều chỉnh hướng lưu thông

Ông PHẠM TUÂN,
Phản hồi về loạt bài về kẹt xe ở TPHCM - Tập trung điều chỉnh hướng lưu thông

Sau khi báo SGGP trong các ngày 20, 21 và 22-10 đăng loạt bài “Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM”, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia và bạn đọc am hiểu về vấn đề này. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay trên địa bàn TPHCM. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được thêm ý kiến giúp thành phố “thoát” khỏi nạn kẹt xe.

Ông PHẠM TUÂN, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Bộ Giao thông Vận tải: Tăng bùng binh, tiểu đảo

Nếu thiết lập bùng binh thay thế cho đèn tín hiệu thì lượng xe thoát qua sẽ tăng bốn lần và khi tạo cho xe chạy cùng chiều rồi tách vào nhánh đường cần đi thì xung đột không còn nữa và cũng không có ai vượt đèn đỏ. Trong tình thế cấp bách, tạm thời phải bùng binh hóa để chấm dứt ùn tắc giao thông ở các giao cắt. Và việc thiết kế bùng binh tùy theo điều kiện đường sá có thể làm tròn, méo hoặc dài... miễn là hạn chế được đèn đỏ và chống xung đột. Ở một giao lộ, nếu bố trí đèn đỏ ngăn xe chiều này để xe chiều khác đi, tức là sử dụng 50% thời gian, nhưng khi đèn xanh bật rồi xe cũng không đi nhanh được vì có xe rẽ ngang chắn đầu xe đang tiến làm giảm vận tốc 20%-30% thời gian nữa. Như vậy đã lãng phí diện tích mặt đường và thời gian thoát xe 70%-78%, nếu bỏ đèn đỏ thì lượng xe thoát có thể lên đến 4 lần (bằng 400%).

Kẹt xe trên quốc lộ 1A chiều 22-10-2009. Ảnh: Đức Trí

Kẹt xe trên quốc lộ 1A chiều 22-10-2009. Ảnh: Đức Trí

Mọi giao cắt giao thông trong đô thị hiện nay trên đường dài, nếu không có vòng xoay để hướng cho xe đi thuận chiều rồi gia nhập vào nhánh đường cần đi của họ, thì đương nhiên các xung đột xảy ra gây tai nạn giao thông, chen lấn, ùn tắc. Khi lượng xe quá lớn, vòng xuyến trên mặt đất không giải quyết được thì đương nhiên phải có từ 2 đến 3 tầng để thoát xe, thêm cầu vượt. Ở nước ta hiện nay ô tô chưa nhiều đến mức vòng xuyến phải có 2 đến 3 tầng. Trừ một số giao cắt có lượng xe quá lớn, còn hầu hết các giao cắt chỉ cần có vòng xuyến với bùng binh có đường kính từ 10-80m là đủ (đường kính bùng binh và chiều rộng vòng xuyến phụ thuộc vào số lượng xe dồn đến cần thoát). Điển hình, tại ngã tư Hàng Xanh (TPHCM) trước đây thường xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Từ hơn 10 năm qua, khi xây dựng vòng xoay tại đây đã cơ bản giải quyết được vấn nạn kẹt xe.

Tại các khu vực không có điều kiện mở rộng các giao lộ để làm vòng xoay thì đành phải thiết lập giao cắt không gian. Trong hoàn cảnh kinh phí khó khăn thì các giao lộ cần phải tăng cường “vòng xoay hóa”. Các phố cũ không mở rộng được thì làm vòng xoay nhỏ và “cầu vồng” cho xe máy đi trên cao. Phương án này sẽ còn tồn tại khá lâu vì những phố cũ chật hẹp, đông hộ gia đình, không dễ làm hầm trong lòng đất và việc đền bù để mở rộng, làm bùng binh kinh phí rất lớn. Bùng binh to thì hiệu quả lớn, còn bùng binh nhỏ từ 1,5-5m vẫn có giá trị điều chỉnh cho phương tiện giao thông đi thuận chiều và lượn dần, giảm chen lấn, ùn tắc giao thông.

Ông NGUYỄN VĂN THANH, Ủy viên Ban chấp hành Hội Cầu đường cảng TPHCM: Lập đèn tín hiệu ở một số vòng xoay

Bên cạnh những phương án mang tính chiến lược với những công trình có nguồn vốn đầu tư lớn, việc rà soát toàn bộ tình hình giao thông cũng như bổ sung những giải pháp ngắn hạn là việc làm hết sức cần thiết để cải thiện tình hình giao thông hiện nay.

Việc phân luồng giao thông hợp lý có thể góp phần giảm ùn tắc giao thông như áp dụng chạy một chiều, tạo các dải phân cách nhẹ dễ dàng tháo dỡ, xem xét kết quả rồi điều chỉnh. Đồng thời, xem xét lại việc bố trí đèn tín hiệu giao thông ở một số vòng xoay. TPHCM nên học tập các biện pháp đang tiến hành tại TP Hà Nội, biến một số ngã tư bằng hai ngã ba kết hợp với điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu hợp lý và rào chắn tạm thời trong giờ cao điểm ở những giao lộ có mật độ lưu thông cao. Đặt những cục nhựa thành vòng xoay tạm thời thí điểm tại một số giao lộ, sau đó rút kinh nghiệm với các đường kính khác nhau tùy theo địa hình cho phép tạo dòng lưu thông không giao cắt...

PGS-TS NGUYỄN XUÂN VINH, Chủ nhiệm bộ môn Xây dựng cầu đường Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Xén vỉa hè tạo đường rẽ phải

Tình trạng ùn tắc giao thông tại các giao lộ hiện nay là rất lớn, để giải quyết vấn đề này, theo tôi biện pháp cấp bách nhất là xén bớt vỉa hè bên phải tạo đường cho xe hai bánh rẽ phải ở các giao lộ nhỏ và làm đường riêng cho xe rẽ phải ở những nút giao thông lớn; chuyển dòng xe rẽ trái thành rẽ phải bằng cách nối dài dải phân cách ngay giao lộ để cho xe rẽ phải và quay đầu tại vị trí thích hợp; lắp cầu vượt tạm tại các nút giao thông có mặt cắt rộng...

QUỐC HÙNG-ĐÌNH LÝ 

Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM

- Bài 1: Hậu họa khôn lường
- Bài 2: Vì đâu nên nỗi?
- Bài 3: 10 giải pháp

àng trầm trọng ở TPHCM

Tin cùng chuyên mục