Cần môi trường lành mạnh cho người tài

Hôm qua, 27-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Nhân tài với thịnh suy đất nước” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam tổ chức. Tại đây, các đại biểu cho rằng, chính sách trọng dụng nhân tài phải được đề cao hơn lúc nào hết.

Hôm qua, 27-9, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Nhân tài với thịnh suy đất nước” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam tổ chức. Tại đây, các đại biểu cho rằng, chính sách trọng dụng nhân tài phải được đề cao hơn lúc nào hết.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và làm rõ các khái niệm về nhân tài, vị trí, vai trò của nhân tài và kinh nghiệm thu hút, sử dụng nhân tài ở Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới. Các tham luận cũng đã phân tích rõ nét thực trạng về đội ngũ trí thức, nhân tài trên các lĩnh vực cũng như những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới đối với việc xây dựng, phát triển nhân tài ở Việt Nam. T

heo GS-TS Dương Phú Hiệp, hiện tượng “chảy máu chất xám” trên thực tế xảy ra không ít nơi. Từ tháng 3-2003 đến cuối năm 2007 có 6.422 cán bộ công chức xin nghỉ việc. Có tới 80% thủ khoa tốt nghiệp đại học tự đi kiếm việc làm sau khi được tuyên dương thành tích học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều người tài không được trọng dụng. Đây là tiếng chuông báo động đối với việc sử dụng cán bộ nói chung và nhân tài nói riêng.

"Thật đáng tiếc khi thấy mức lương cả năm của một tiến sĩ hay một người có văn bằng cao ở Việt Nam chỉ bằng mức lương tháng của một công nhân ở nước ngoài. Tôi chỉ mong rằng ngày nào đó Nhà nước Việt Nam có một chính sách cải cách để đừng bị mất đi những nhân tài của mình"

GS Nguyễn Vi Khải

Trong khi đó, GS Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, với nhiều nguyên nhân khác nhau, không ít trí thức đang là viên chức nhà nước đã xin ra khỏi biên chế nhà nước để làm thuê cho các cơ sở kinh tế ngoài nhà nước. Sự ra đi không hoàn toàn là vì đãi ngộ lương bổng, có thể còn do môi trường làm việc, do sở thích. Tuy nhiên, theo GS Khải, lương bổng cũng là một giải pháp để giữ người tài trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Quang Nhiếp cho rằng, chính sách trọng dụng nhân tài hơn lúc nào hết phải được đề cao, không để xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” như hiện nay. Cần phải coi nhân tài là tài sản quý báu, là động lực, là nguồn nhân lực, là sức sản xuất tái tạo ra nhiều giá trị mới... Để hiền tài phát huy tác dụng trước hết họ phải được bố trí vào những công việc, những vị trí phù hợp với đức và tài của họ. Thứ hai, họ phải được hoạt động trong một môi trường lành mạnh. Thứ ba, cần có chính sách, chế độ thỏa đáng đối với người tài, thậm chí vượt khỏi khuôn khổ bình thường.

Theo Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam, câu hỏi cần làm gì và làm như thế nào để trọng dụng nhân tài trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã được đặt ra từ hàng chục năm trước cho đến nay vẫn chưa được giải đáp một cách thấu đáo. “Nói chưa có chính sách đãi ngộ nhân tài thì không đúng. Thực tế đã có nhưng rất chắp vá, rời rạc và mang tính tình thế. Với những cái đã có, không thể gọi là chiến lược trọng dụng nhân tài”, PGS-TS Lê Văn Cương khẳng định.

Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định, Đảng và Nhà nước muốn có chính sách trọng dụng trí thức, đãi ngộ đặc biệt với nhân tài (Nghị quyết Đại hội XI) với tầm vóc chiến lược quốc gia, nhưng đến nay việc thực hiện còn lúng túng, chưa làm được. Để sử dụng và phát huy hiệu quả của nhân tài, theo các đại biểu, cần tiếp tục đổi mới tư duy về nhân tài, về vai trò của nhân tài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Cần xây dựng một hệ thống chính sách, kế hoạch và giải pháp mạnh về bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nhân tài. Cụ thể, cần định danh và phân loại nhân tài, có tiêu chí cụ thể trong việc đánh giá, sử dụng nhân tài; xây dựng các thiết chế đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; có chính sách khuyến khích việc phát hiện và tiến cử nhân tài.

Cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút đội ngũ nhân tài quốc tế (bao gồm cả du học sinh Việt Nam đào tạo ở nước ngoài, Việt kiều và người nước ngoài). Vì thế các cơ quan Đảng và Nhà nước, cụ thể là Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ cần có những nghiên cứu, chính sách kịp thời, đúng đắn để thu hút và sử dụng được những người tài tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Mặt khác, giới trí thức Việt Nam cũng cần có trách nhiệm xây dựng luận cứ khoa học cho một chiến lược trọng dụng trí thức, đãi ngộ đặc biệt đối với nhân tài ở Việt Nam trong thời gian tới. 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục