Dân điêu đứng vì dự án “rùa”

Dân điêu đứng vì dự án “rùa”

Dự án xây dựng Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thủy, Cần Thơ quy mô gần 21ha, được triển khai từ năm 2010 nhưng đang ỳ ạch, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Do đợi chờ suốt 3 năm qua nhưng chưa được nhận tiền bồi thường, nhiều hộ đã “bán lúa non” suất bồi thường của mình để trang trải cuộc sống.

  • Dài cổ chờ tiền bồi thường

Dự án Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thủy có tổng kinh phí 125 tỷ đồng, do UBND quận làm chủ đầu tư. Có 198 hộ ở khu vực 7, phường Bình Thủy bị ảnh hưởng của dự án này. Trong năm 2010, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy đã chi trả bồi thường giai đoạn 1 cho 100 hộ với số tiền hơn 38,4 tỷ đồng. Số còn lại có quyết định thu hồi đất, được kê biên, áp giá và thông báo số tiền bồi thường nhưng đến nay vẫn phải… chờ.

Việc triển khai dự án Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thủy kéo dài gây khó cho dân.

Việc triển khai dự án Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thủy kéo dài gây khó cho dân.

Ông Cao Văn Việt, có 4.000m² đất bị giải tỏa trắng, bức xúc: “Đất của tôi trồng chanh, mỗi năm thu lợi khoảng 160 triệu đồng. Đã 3 năm 4 tháng rồi, từ ngày nhận quyết định thu hồi đất thì vườn cây không được đầu tư nữa, trong khi chính quyền lấp mương cấp thoát nước khiến vườn cây chết dần. Nhà nước thông báo tôi được nhận 800 triệu đồng tiền đền bù nhưng tới nay chưa có đồng nào. Cuộc sống gia đình đang rất khó khăn”.

Hộ ông Trần Thanh Liêm bị thu hồi trắng 3.714m² đất vườn đang cho thu hoạch, cho biết: Tôi là người đại diện cho dân, được bầu vào Hội đồng đền bù giải tỏa của dự án. Nhưng ngay cả biên bản đối thoại giữa lãnh đạo quận và người dân bị ảnh hưởng dự án cũng không có, tôi đã “lên xuống” UBND quận hơn 4 lần nhưng chỉ nhận được lời hứa. Bà con ở đây yêu cầu, đã thu hồi đất, kê biên tài sản rồi thì phải bồi thường cho dân. Nếu không có tiền làm dự án, bồi thường thì hãy trả đất lại cho dân và bồi thường thiệt hại để dân tiếp tục sản xuất kiếm sống”.

Ông Nguyễn Xuân Linh, Bí thư Chi bộ khu vực 7, phường Bình Thủy, bức xúc: Còn khoảng 80 hộ dân chưa được nhận tiền (khoảng 10 ha đất). Từ ngày 17-3-2010, khi bắt đầu kê biên tài sản đến nay, người dân không được hưởng hoa lợi từ vườn cây ăn trái, trong khi chưa nhận được tiền. Đất bỏ hoang, mùa khô không nước, mùa mưa ngập úng. Vì quá khó khăn, nợ nần mà gia đình ông Lê Sĩ Nghị đã “bán non” suất bồi thường với giá 350 triệu đồng (trong khi số tiền được nhận bồi thường khoảng 460 triệu đồng). Ngoài ra, việc bơm cát lấp đường cấp thoát nước đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của nhiều hộ dân ngoài vùng dự án…

  • Chưa biết khi nào hoàn thành

Tại khu vực 7, phường Bình Thủy, nhiều hộ dân sống lâu năm trên phần đất vườn do ông bà để lại; khi bị ảnh hưởng bởi dự án đường Mậu Thân - Sân Bay, họ giải tỏa một phần đất và nhà cửa nhưng chưa được tái định cư. Vì thế, buộc lòng phải xây nhà lùi vào bên trong để ở, nhưng tiếp tục rơi vào dự án Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao quận Bình Thủy. Hộ ông Lê Thanh Sơn (ngụ 49B/10A, khu vực 7, phường Bình Thủy) là một điển hình.

Ông Sơn bức xúc: “Trước đây, tôi có nhà ở bị ảnh hưởng công trình đường Mậu Thân - Sân bay; không có chỗ ở nào khác, tôi phải cất nhà lùi vào bên trong, trên phần đất nông nghiệp còn lại mấy năm qua. Hiện toàn bộ ngôi nhà và đất vườn gần 1.180m² thì bị giải tỏa hết để nhường cho dự án Khu hành chính - Trung tâm Thể dục thể thao. Tuy nhiên, chỉ được bồi thường đất vườn, còn nhà ở, vật kiến trúc bị mất trắng. Tôi mong muốn được cấp trên xem xét bố trí tái định cư”.

Người dân còn bức xúc, khi được vận động và chấp hành tốt chủ trương, nhận tiền đợt đầu thì giá khác; còn các hộ nhận tiền đợt sau được giá cao gấp nhiều lần. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Chí Huân… nhận tiền bồi thường đợt đầu, giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm chỉ 180.000 đồng/m² (dù đất này nằm mặt tiền đường Mậu Thân - Sân Bay). Nhiều hộ khác nhận tiền sau này được bồi thường đến 617.000 đồng/m² dù cũng là đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.

Ông Nguyễn Chí Huân bức xúc: “Vì sao một dự án lại có nhiều giá bồi thường khác nhau? Lẽ ra chúng tôi chấp hành tốt thì được khuyến khích, chứ đâu phải chịu thiệt thòi như vậy”.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Bé Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Bình Thủy, cho biết: “Ngay thời điểm đó, do kinh phí đã hết nên quận chưa bồi thường cho 98 hộ còn lại. Đến đầu năm 2013, UBND TP Cần Thơ duyệt kinh phí cho dự án thêm 26 tỷ đồng nên quận lập hồ sơ bồi thường giai đoạn 2 cho 32 hộ. Đến nay, có 17 hộ nhận tiền với tổng số hơn 23 tỷ đồng. Có tới 14/15 hộ chưa đồng ý yêu cầu được giải quyết chính sách tái định cư”.

Cũng theo ông Dũng, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư, các chính sách khác... do ảnh hưởng thời gian kéo dài nên các quy định có sự thay đổi. Nguyên nhân dự án kéo dài là do thiếu vốn và chưa biết khi nào hoàn thành.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục