Những trái tim như ngọc sáng ngời

Tôi gặp cô Ngọc Yến, mẹ của anh hùng phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm vào một buổi chiều tàn nhạt nắng trong căn nhà của cô giữa thủ đô Hà Nội. Tôi hết sức bất ngờ khi hiện diện trước bà mẹ Việt Nam anh hùng này, nét mảnh mày, nhanh nhẹn vẫn còn nguyên dù cô đã 84 tuổi.
Những trái tim như ngọc sáng ngời

Tôi gặp cô Ngọc Yến, mẹ của anh hùng phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm vào một buổi chiều tàn nhạt nắng trong căn nhà của cô giữa thủ đô Hà Nội. Tôi hết sức bất ngờ khi hiện diện trước bà mẹ Việt Nam anh hùng này, nét mảnh mày, nhanh nhẹn vẫn còn nguyên dù cô đã 84 tuổi.

Bà Ngọc Yến và bà Huỳnh Thị Hiệp (hàng đầu, thứ 3 và 4 từ trái qua) tại lễ tưởng niệm Trung tá liệt sĩ Lê Nam - chồng bà Huỳnh Thị Hiệp.

Bà Ngọc Yến và bà Huỳnh Thị Hiệp (hàng đầu, thứ 3 và 4 từ trái qua) tại lễ tưởng niệm Trung tá liệt sĩ Lê Nam - chồng bà Huỳnh Thị Hiệp.

Tôi có bà bạn thân, đến nay vẫn còn tí tách trò chuyện, lúc khỏe mạnh vẫn thường qua lại thăm hỏi nhau, dẫu là kẻ Bắc người Nam... Cô bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.

Bà ấy tên là Huỳnh Thị Hiệp, chỉ hơn kém tôi một tuổi, ngày trước làm việc cùng cơ quan, lại cùng có chồng con là bộ đội. Chính những điều đó đã gắn bó chúng tôi suốt hàng chục năm qua…

Từ những ngày đầu gặp nhau, chúng tôi đã coi nhau như chị em ruột thịt. Đấy là những ngày tháng đất nước còn khó khăn, lại bom đạn liên miên trên đầu và cái chết luôn luôn cận kề. Lúc bấy giờ hai chúng tôi cùng làm trong Đảng ủy Nhà máy kẹo Hải Hà - Hà Nội, bà Huỳnh Thị Hiệp là Bí thư đảng ủy nhà máy, còn tôi là Trưởng phòng tổ chức. Chính sự gần gũi nhau trong công việc, trong từng ca trực đêm chỉ còn hai chị em bám trụ nhà máy, tâm sự, góp ý công tác cho nhau và cả cười đùa, dặn dò nhau. Con gái tôi đi chiến đấu trong lực lượng công an, con trai chiến đấu trên bầu trời, mình tôi với mẹ già 85 tuổi yếu liệt, đi đâu cũng phải cõng mẹ. Cháu có biết không, trong những đêm dài kinh hoàng ấy, chúng tôi chỉ dặn nhau những câu rất giản đơn, tôi nói với bà Hiệp: Nếu tôi có làm sao thì chị lo mẹ già giúp tôi nhé. Còn bà ấy bảo tôi rằng, nếu bà ấy có mệnh hệ gì, nhất nhất nhờ chị lo cho 3 đứa con tôi trưởng thành. Thương lắm, giờ nghĩ lại những ngày ấy mà nước mắt cứ trào ra…

Tuy bà ấy là con gái miền Nam, còn tôi dân miền Bắc, nhưng chúng tôi gần gũi nhau cả trong cách sống, tình cảm, cùng quan điểm, cùng thống nhất đấu tranh những tiêu cực trong nội bộ, xây dựng đảng bộ không ngừng trưởng thành. Chúng tôi nắm tay nhau đi chặng đường dài những năm tháng còn trẻ, cho đến khi trở thành những người vợ cô đơn...

Những đêm ngủ cùng nhau, 2 người vợ liệt sĩ đã kể cho nhau nghe những kỷ niệm không thể không rơi nước mắt. Đó là đêm cuối cùng khi ở bên chồng, đêm cuối cùng ấy sao toàn những chuyện gở, những câu như điềm báo. Hai chúng tôi kể lại cho nhau nghe nào là hai vợ chồng ở cạnh nhau, âu yếm nhau mà vẫn thì thầm chúng mình yêu nhau lần cuối nhé. Rồi dặn dò, cố gắng chịu đựng, dù sau này một mình vất vả, em cố gắng nuôi con thành người…

…Từ tuổi 21, sau sự hy sinh của chồng, khi đứa con gái chưa đầy 2 tuổi, còn Bùi Thanh Liêm ngót nghét gần 6 tháng, cô Ngọc Yến đã ở vậy nuôi con. Người con gái Bắc xinh đẹp, đoan trang ấy đã khiến nhiều chàng trai theo đuổi nhưng vẫn kiên trinh nuôi 2 đứa con khôn lớn, làm đủ đầy mọi công việc của Đảng giao cho.

Cô Ngọc Yến kể: Khi chồng mất, tôi được xếp vào loại xinh xắn, bà Hiệp vẫn trêu chọc (lúc đó ông Lê Nam –chồng bà Hiệp chưa báo tử): Úi giời con gái miền Bắc phong kiến nha, chồng chết từ 21 tuổi đến giờ vẫn không lấy chồng. Chứ gái Nam chúng tôi là phải đi lấy chồng, không ai ở vậy đâu! Tôi chẳng nói gì, chỉ ngậm ngùi bảo với bà Hiệp: Ừ, mỗi người mỗi ý thích, tớ chẳng thích lấy chồng nữa vì tớ có trai có gái đủ rồi... Thế rồi đến lúc ông Lê Nam hy sinh, mấy năm sau tôi nhắc lại chuyện ấy: “Thôi bây giờ chị miền Nam tân tiến mời chị tiến lên bước nữa đi. Tôi là con gái miền Bắc phong kiến lạc hậu, còn chị đi bước nữa để em được chúc mừng chị”. Lúc bấy giờ bà ấy vừa cười, vừa khóc: Giờ có ở trong chăn mới biết chăn có rận, lúc trước chưa hình dung hết thương con như thế nào, bây giờ mới thấy thương con lắm, thôi đừng nói nữa. Chúng mình gắng vui vẻ vì các con”. Nói rồi cả 2 lại ôm nhau khóc. Vợ liệt sĩ là vậy đấy cháu ạ…

Hỏi rằng những ngày tháng ấy, chúng tôi có ai tìm hiểu, đặt vấn đề không? Nói thật là đều có. Và chúng tôi đều trân trọng tất cả những tấm lòng ấy, nhưng cũng đều né tránh cả… Nói thật, có trong cuộc mới biết né tránh và giữ gìn như thế nào, chứ không phải cứ hồn nhiên sống đâu…

Lại nhớ ngày chồng tôi ra đi, lúc chia tay bố, Bùi Thanh Liêm mới 6 tháng, còn con gái lớn được 23 tháng. Hôm đi tiễn trên tỉnh đội, tôi cũng đưa cả hai con ra phố Cọ tiễn bố, ăn kẹo, dặn dò, nắm tay nhau, nước mắt vòng quanh, lúc chồng đi rất xa đến đoạn có quả núi quành vào không thấy nữa, anh ấy đứng lại 15 phút, vẫy vẫy mãi. Cái hình ảnh cuối cùng ấy đến giờ vẫn in đậm trong mẹ con tôi. Cuộc đời ai chả muốn vuông tròn/ Một nửa làm chi để héo hon/ Kháng chiến trải dài bao năm tháng/ Gian khổ hy sinh phải mất còn/ Chia ly màu đỏ đậm nét son/ Tình yêu chung thủy mãi vẫn còn/ Người đi, đi mãi mang theo nhớ/ Kẻ ở lại nhà, dạ sắt son. Tôi đã làm bài thơ Nhớ mãi buổi chia tay ấy ngay sau khi tiễn chồng đi chiến đấu, ngày mồng chín tháng Giêng năm Canh Dần. Hàng chục năm rồi nay nghĩ lại, tôi chưa một ngày ân hận rằng đã lấy ông ấy, một người bộ đội với tôi là đẹp đẽ vô vàn. Trên đường đi đến đơn vị, dọc đường mỗi đêm dừng chân ở đâu ngủ, ông ấy cũng viết thư, và viết xong để đấy, dồn lại có khi cả tập dày, khi có điều kiện gửi cho vợ. Đến giờ tôi vẫn giữ: “Viết cho em, không bao giờ anh buồn chán, anh muốn viết cho em tất cả những tâm tư, những nghĩ suy. Tất cả những gì anh nhìn thấy trên đường hành quân anh đều muốn kể cho em và con nghe”.

…Đời người cũng mong manh lắm, lúc lên đường đi chiến trường, ông ấy được xướng tên Bùi Đình Lợi, chức vụ Đại đội trưởng, Trưởng ban Quân báo, Trung đoàn 148, Mặt trận Tây Bắc. Còn bây giờ là nấm mộ vô danh.

Ngay từ lúc đầu khi tôi đề cập đến chuyện muốn viết về cô chuẩn bị được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cô nói ngay: Thực ra cô không muốn viết về cô nhiều, ở nước mình có biết bao nhiêu bà mẹ có chồng có con là liệt sĩ, đâu chỉ mình cô…

Cô kể: Từ lúc 21 tuổi đến nay, mỗi năm, mỗi một mùa lá rơi, cô lại thấy lòng thắt lại. Tập thơ Lá rơi của cô ra đời cũng vì thế. Lá rơi trên thảm cỏ xanh vì tiễn chồng đi vào tháng giêng năm 1950, nên mỗi dịp tết mùa cây cỏ xanh tốt cô lại nhớ chồng. Còn mùa thu, nhớ ngày biết tin con trai hy sinh vào tháng 8 âm lịch, từng cơn gió thu thoảng qua, cô lại nhớ tiếng cười lần đầu của con. Cô kể: Lúc ông ấy chuẩn bị lên đường đi biên giới, Liêm đã cười ra tiếng, ông ấy hồ hởi nói: “Bây giờ quân đội ta chưa có binh chủng Không quân, nhưng đến tuổi Liêm trưởng thành nhất định quân đội ta có binh chủng ấy, lúc đó đủ điều kiện cho Liêm đi học lái máy bay”. Đấy là lý do đầu tiên để sau này Liêm đi học lái máy bay tiêm kích MIC 21. Và rồi trở thành một phi công vũ trụ… Và mùa thu lại nhớ con. Rồi mùa hoa cau rụng lại nhớ mẹ ăn trầu...

Năm tháng cứ dần trôi lặng lẽ
Bao đau buồn em không thể kể,
Con chúng mình bé quá anh ơi,
Bao gian truân vất vả với đời
Em gắng chịu thay cha làm mẹ
Trên đường đời san sẻ cùng anh
Thức lâu mới biết đêm dài,
Có đau khổ mới biết thương người khổ đau

Rồi sau này là nỗi nhớ bạn, người bạn già của tôi, chính là bà Hiệp ấy. Năm nào chúng tôi cũng phải gặp nhau, dù bà Hiệp ở Sài Gòn còn tôi ở Hà nội, để kể lại chuyện cũ, để ôn lại những ngày đã qua và cũng phần nào đó tự hào rằng sự hy sinh của chúng tôi được bù đắp khi cháu con đề huề, vui vẻ và nghĩa tình.

Đã ở tuổi 85, mang trong người nhiều thứ bệnh của người già, nhưng từng ngày, cô Ngọc Yến vẫn dũng cảm vượt qua, tràn đầy niềm lạc quan trong cuộc sống. Cầm bàn tay cô - người mẹ Việt Nam anh hùng, mẹ của phi công vũ trụ nổi tiếng Bùi Thanh Liêm, tôi cầu chúc cô Ngọc Yến và cô Hiệp luôn dồi dào sức khỏe, cùng nhau vui vẻ sống những ngày không còn dài nhưng hết sức ấm áp và hạnh phúc với đất nước, với cháu con.

Những con người ấy, tuy trái tim đang đập chậm lại, nhưng sáng mãi cùng với những kỷ niệm và những tình cảm thiêng liêng, cao quý. Những trái tim như ngọc sáng ngời…

KIỀU THU HUYỀN

Tin cùng chuyên mục