Nặng gánh nỗi đau

Theo thống kê từ Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 5 ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết, bị thương và mất tích 287 người. Trong đó, có 132 người chết, bình quân mỗi ngày có khoảng 26 người ra đường đi chơi lễ vĩnh viễn không về nhà.

Theo thống kê từ Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, trong 5 ngày nghỉ lễ, cả nước đã xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết, bị thương và mất tích 287 người. Trong đó, có 132 người chết, bình quân mỗi ngày có khoảng 26 người ra đường đi chơi lễ vĩnh viễn không về nhà.

Nỗi đau từ xe cộ, tàu thuyền không chỉ mới xảy ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm TNGT cướp đi mạng sống khoảng 1,2 triệu người, làm bị thương 50 triệu người trên thế giới. Việt Nam nhiều năm qua đã “góp phần lớn” vào con số đau thương đó. Bình quân trong năm 2014, sau một ngày, có 25 người Việt ra đường và vĩnh viễn không trở lại với người thân. Cứ một ngày trôi qua, cùng với 25 người chết là gần 70 người bị thương, thiệt hại nhiều tài sản, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

TNGT ngày càng nghiêm trọng hơn, hậu quả nặng nề hơn, nỗi đau dai dẳng, trĩu nặng thương tâm. Đó là trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Kim Ngọc ở An Giang bị xe trộn bê tông cán chết khi đang trên đường đi sinh, thai nhi văng ra đường, chồng bị thương nặng. Có người, trong thời gian ngắn đã mất đi 7 người thân. Các vụ “xe buýt trôi” trên đường đông người, “xe điên” gây tai nạn liên hoàn, khủng khiếp; chìm phà không đảm bảo an toàn, làm chết nhiều người.

Có những vụ TNGT không mang tên xe cộ, nhưng mang tội của con người vô cảm, thiếu trách nhiệm. Đó là trường hợp người dân Tây Nguyên phải đu dây qua sông thiệt mạng. Là tai nạn “từ trên trời rơi xuống” do đơn vị thi công và cơ quan quản lý dự án đường sắt trên cao Hà Nội vô trách nhiệm đã cướp đi mạng sống con người.

Các nhà nghiên cứu đã “làm toán” ước tính thiệt hại do TNGT hàng năm ở nước ta khoảng 3,5 tỷ USD. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà là tột cùng nỗi đau mất mát. So với các vụ rơi máy bay của Hàng không Malaysia, động đất ở Nepal làm chết hơn 5.000 người mới vừa xảy ra, làm bàng hoàng cả thế giới, thì nỗi đau mất gần 10.000 người vì TNGT ở Việt Nam không xảy ra một lúc, bất ngờ, nhưng đau xót dai dẳng.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Trưởng ban ATGT quốc gia phải thảng thốt kêu lên, nếu so với thảm họa kép sóng thần và động đất đau thương xảy ra tại Nhật năm 2011 được cả thế giới biết đến, chia sẻ, thì hàng ngày ở Việt Nam vẫn đang xảy ra các vụ TNGT mà số người chết trong một năm bằng 75%, số người bị thương bằng 156% vụ động đất, sóng thần khủng khiếp ở Nhật Bản.

Nguyên nhân TNGT đã được nhận diện nhiều năm, ngoài lý do hạ tầng yếu kém, phương thức giao thông “xà bần”, đủ loại phương tiện chung chạ đổ ra đường, ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa giao thông kém, còn có sự yếu kém của công tác quản lý nhà nước và biến chất của một bộ phận thực thi công vụ.

Cùng với “thành tích” uống bia của người Việt, tốc độ tăng ô tô, xe máy chóng mặt, không kiểm soát nổi là TNGT. “Nếu du lịch mạo hiểm là chưa đủ với bạn, hãy tham gia giao thông ở Việt Nam”. Câu nói đùa “đau đớn” của một du khách nước ngoài cũng là thông điệp cảnh báo về môi trường du lịch, môi trường sống tốt, an toàn ở “xứ sở nụ cười”, một quốc gia mến khách như Việt Nam.

Bao giờ Việt Nam giảm được nỗi đau “người đi không trở lại, gánh nặng tật nguyền” vì TNGT? Câu trả lời cần sự tiếp cận đa ngành, lời giải tổng thể, nhưng không thể nói chung chung là “trách nhiệm của toàn dân”. Địa chỉ chịu trách nhiệm phải rõ ràng cho từng đơn vị chức năng, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Đã có Chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố từ chức nếu không kiềm chế được TNGT của địa phương mình, nhưng chưa có người mất chức vì chưa xác định được rõ ràng địa chỉ trách nhiệm đó.

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục