Xuất khẩu thủy sản và sự dịch chuyển thị trường

Thông tin của một doanh nhân tham gia hội nghị về thủy sản toàn cầu ở Bali (Indonesia) vừa qua cho biết, thị trường nhập khẩu thủy sản trong tương lai không xa sẽ dịch chuyển về châu Á (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc). Điều này trùng khớp với thông tin tại hội thảo về thị trường thủy sản nhân Hội chợ Vietfish 2017 vừa diễn ra ở TPHCM. 
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản số 1. Ảnh: Cao Thăng
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản số 1. Ảnh: Cao Thăng
Thị trường truyền thống bị chậm lại

Theo Bộ NN-PTNT, các mặt hàng thủy sản hiện được xuất khẩu đến hơn 160 thị trường, nhưng đóng góp lớn nhất cho toàn ngành là từ 3 thị trường truyền thống gồm Mỹ, các nước EU và Nhật Bản, với trung bình khoảng 1 tỷ USD/năm. Đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủy sản là con tôm nước lợ và con cá tra. Sự hội nhập sớm đã giúp cho các doanh nghiệp (DN) chế biến và kinh doanh thủy sản tiếp cận với 3 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới, tạo ra sự đột phá. Nhờ thị trường Mỹ mà con cá tra Việt Nam trở thành mặt hàng thực phẩm được biết đến trên thế giới. Tương tự, nhờ thị trường EU, Nhật Bản và cả Mỹ, con tôm Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong hơn 2 thập niên vừa qua. Các sản phẩm từ con cá tra, sau khi bị phía Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá và không cho gọi tên catfish, đã có cơ hội xâm nhập vào thị trường EU để trở thành mặt hàng với tên gọi Pangasius, và hiện nay đã xâm nhập vào nhiều nước thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ. 

Tuy nhiên, từ năm 2016, EU không còn là thị trường nằm trong tốp 3, một trong những nguyên nhân là do hình ảnh cá tra liên tiếp gặp khó ở thị trường này vì vấn đề truyền thông, khi con cá tra bị truyền hình nhiều nước bêu xấu và sự bị động của DN Việt Nam trong việc phản hồi. Thay thế vị trí EU là Trung Quốc. Năm 2017, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) dự báo xuất khẩu cá tra sang EU sẽ vẫn tiếp tục giảm. Với thị trường Mỹ, 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là cá tra và tôm; trong đó, cá tra là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở thị trường này. Tuy nhiên, trong tương lai gần, Trung Quốc có thể “soán ngôi”. 

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, ngoài vấn đề thuế chống bán phá giá áp dụng từ đầu những năm 2000 đến nay và hàng năm đều phải xem xét, thách thức hiện nay còn là chương trình thanh tra cá da trơn, mà mới nhất là thông tin từ ngày 1-9 sẽ chịu sự kiểm soát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thay vì Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Trong khi đó, giá trị xuất khẩu từ thị trường Trung Quốc luôn tăng và lọt vào danh sách 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhờ tiêu thụ mạnh mặt hàng cá tra.

Sức hút của thị trường gần 

Ông Carson Blake Roper, chuyên gia thị trường, cho rằng trong tương lai, châu Á là thị trường nhập khẩu chính của ngành hàng thủy sản, bên cạnh Nhật Bản vẫn duy trì nhu cầu về thủy sản, Hàn Quốc là đất nước nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng. Nhưng, Trung Quốc được xem là thị trường tiềm năng cho các nước xuất khẩu thủy sản. Lượng tiêu thụ tôm tại các nước EU và Mỹ tăng khoảng 3% - 3,5%/năm, với Nhật Bản là 5%, Hàn Quốc 7% và Trung Quốc 14% (trong khi khả năng sản xuất tại chỗ chỉ tăng 4%). Đại diện VASEP, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho biết đây là thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam ít có sự tăng trưởng âm, nhất là với con tôm và cá tra. Trung Quốc nhập khẩu tôm nước lợ lớn nhất Việt Nam và thứ hai với cá tra, chỉ sau Mỹ. Nhưng theo nhận định, mặt hàng này, Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ vượt qua Mỹ. 

Tuy nhiên, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết với Việt Nam các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN 2 nước xuất khẩu, thì thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất trắc khó lường. Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), Trung Quốc có thể là thị trường nhập khẩu lớn nhất không chỉ con tôm mà cả cá tra của Việt Nam, nhưng cách thức hiện nay luôn mang lại nhiều bất ổn. Đó là vấn đề buôn bán qua đường biên mậu đầy rủi ro và sự “thao túng” của một số thương nhân Trung Quốc. Họ đến tận vùng nguyên liệu đồng bằng sông Cửu Long để mua gom nguyên liệu, chủ yếu là hàng chưa qua sơ chế, không chú trọng chất lượng. Điều này dẫn đến tình trạng người nuôi không quan tâm đến việc kiểm soát dư lượng hóa chất, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành.

Ông Đặng Ngọc Sâm Thương, Trưởng phòng Chuỗi cung ứng Công ty TNHH Thực phẩm Amanda Việt Nam, cho biết để xuất khẩu được phải đạt 3 yêu cầu: DN phải có trong danh sách những nhà sản xuất thủy sản được cơ quan thẩm quyền Trung Quốc công nhận; Hàng hóa phải được cấp giấy chứng nhận chất lượng; Sản phẩm phải nằm trong danh mục được nước này công nhận. Tuy trong công văn thỏa thuận hợp tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm giữa 2 nước không có yêu cầu nào về việc cung cấp danh mục thủy sản được phép nhập khẩu, nhưng phía Trung Quốc lại yêu cầu Việt Nam cung cấp danh mục sản phẩm thủy sản xuất vào thị trường này rồi mới xem xét tiếp. 
Tạo thương hiệu - Xây cơ chế

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngành thủy sản phải có chiến lược định vị thị trường, bảo vệ hình ảnh sản phẩm một cách bài bản (hàng Việt Nam nhưng tiêu chuẩn EU, Nhật hay Mỹ) thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu ổn định sang thị trường Trung Quốc. Bởi người tiêu dùng nước này ngày càng tìm đến sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm và sự tiện lợi.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, cho rằng cần sự phối hợp giữa 2 chính phủ để tạo sự ổn định trong xuất khẩu hàng hóa giữa 2 nước. Trong quan hệ thương mại Việt - Trung, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam luôn áp đảo so với chiều ngược lại, nhất là hàng tiểu ngạch. Cần đưa các loại hàng hóa này vào đàm phán trong các FTA để dần cân bằng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 2 nước, như cách cho Úc xuất khẩu trái cherry vào Việt Nam, để Việt Nam xuất khẩu thanh long sang Úc, thuế suất thấp nhưng mức thu thuế VAT không phải là ít. “Tại sao không áp dụng cách này, để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh mà Trung Quốc cần như gạo, rau quả, thủy sản..., nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích giữa 2 nước”, ông Nam nêu vấn đề. 

Tin cùng chuyên mục