GS Đỗ Tất Lợi – “cây đại thụ” của những cây thuốc quý

GS Đỗ Tất Lợi – “cây đại thụ” của những cây thuốc quý

Trong những ngày cuối cùng của năm Đinh Hợi, ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là những lương y, thầy thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền bàng hoàng khi biết tin GS Đỗ Tất Lợi - “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam đã đi xa. Thế nhưng, đối với tất cả cán bộ y tế và nhiều người dân Việt Nam, những công trình nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc, y học cổ truyền dân gian của GS Đỗ Tất Lợi sẽ còn mãi với thời gian.

GS Đỗ Tất Lợi – “cây đại thụ” của những cây thuốc quý ảnh 1

GS Đỗ Tất Lợi.

Mặc dù là thế hệ trẻ nhưng tôi may mắn có được một vài lần gặp GS Đỗ Tất Lợi khi còn công tác tại một tờ báo của ngành y tế. Dường như đối với tôi, mỗi lần gặp ông là một lần tôi được hiểu thêm về tác dụng của những cây thuốc, bài thuốc qua các công trình nghiên cứu vô cùng đồ sộ của ông.

Còn đối với GS Đỗ Tất Lợi, vẫn là một phong cách rất giản dị và rất chân thành mỗi khi gặp và trả lời phỏng vấn của chúng tôi như với việc ông nghiên cứu cây thuốc, bài thuốc về y học cổ truyền là để tìm ra những điều mà y học hiện đại chưa với tới. Và hơn cả, ông mong muốn, mọi người đều có thể tự bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình và gia đình qua tác dụng của những bài thuốc, cây thuốc mà ông đã dày công tìm tòi.

GS Đỗ Tất Lợi sinh năm 1919, xuất thân từ một gia đình làm nghề nông ở làng Phù Xá, huyện Kim Anh, Phúc Yên, nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ngay từ lúc còn nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng của người cha về lòng say mê trồng trọt các loại cây cỏ. Năm 1939 khi bước chân vào giảng đường đại học, ông đã chọn nghề y, với khoa dược để nghiên cứu. Cơ hội được mở rộng ra đối với ông, khi trong những năm tháng ngồi ghế nhà trường, ông được cụ lang Lê Văn Sáp, người đã từng chữa khỏi gãy tay cho ông lúc nhỏ bằng thuốc lá, truyền dạy và hướng dẫn sưu tầm các bài thuốc, cây thuốc hay. Có lẽ, đối với một người học về Tây y nhưng là chú tâm nghiên cứu y học cổ truyền là một điều khá kỳ lạ nhưng lúc đó ông chỉ tâm nguyện một mong muốn là vực dậy nền y học đông y của nước nhà khi nhà cầm quyền Pháp thời đó đang khinh miệt.

GS Đỗ Tất Lợi mất ngày 3-2-2008. Trước khi mất, ông đã từng giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội Dược liệu Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu sản xuất thuốc của Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường Đại học Dược Hà Nội. Ông đã được nhận thưởng Huân chương Độc lập Hạng hai; Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1; Huân chương Kháng chiến Hạng nhất và nhiều giải thưởng khác. Lễ viếng của ông được tổ chức vào sáng 5-2 tại Nhà tang lễ Bệnh viện 108 số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. An táng cùng ngày tại xã Phú Minh, Sóc Sơn, Hà Nội.

Kháng chiến chống Pháp nổ ra, tháng 12-1946, GS  Đỗ Tất Lợi đã quyết định rời bỏ thành phố Hà Nội thân thương để tham gia kháng chiến. Ông đã gia nhập Vệ quốc đoàn, sau đó ông được cử giữ chức giám đốc Viện Khảo cứu và chế tạo dược phẩm, Cục Quân y, Bộ Quốc phòng. Trong thời kỳ này, GS với những năm tháng sống giữa núi rừng Việt Bắc, ông đã phát hiện ra được nhiều cây thuốc, bài thuốc rất giản dị nhưng vô cùng quý báu đối với bộ đội và nhân dân ta lúc đó. Đáng chú ý, ông và những người cộng tác đã chế ra cao Thường Sơn chữa sốt rét, loại thuốc mà bộ đội ta quen gọi là “kí-ninh đen”. Ông cũng tinh chế dầu tràm làm thuốc xoa, thuốc tiêm, thuốc sát trùng dùng để rửa, đắp vết thương cho chiến sĩ, đồng bào hồi đó.

Hòa bình lập lại, ông trở lại mái trường Đại học Dược Hà Nội và đảm trách chức vụ Chủ nhiệm bộ môn dược liệu. Trong suốt thời gian nay, ngoài công tác giảng dạy, GS Đỗ Tất Lợi đã dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu về dược liệu, vị thuốc Việt Nam và các cây di thực từ nước ngoài. Cùng với việc dành nhiều thời gian đọc các tài liệu y dược của của phương Đông và phương Tây ông đã bôn ba khắp các cánh rừng, các vùng miền Tây Bắc, Đông Bắc để tìm kiếm và nghiên cứu các cây thuốc. Cùng với đó, các công trình nghiên cứu khoa học liên tiếp ra đời. Và cho tới nay, GS Đỗ Tất Lợi đã có trên 150 công nghiên cứu khoa học nhưng lớn hơn và đồ sộ hơn tất cả những là bộ sách  “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” bao gồm 750 loài cây thuốc, vị thuốc thuộc 164 họ, 77 vị thuốc động vật, 20 vị khoáng vật, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1964 và tới nay đã qua rất nhiều lần tới bản. Với bộ sách nghiên cứu này, GS Đỗ Tất Lợi đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nói về bộ sách này, nguyên GS Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã có ý kiến cho rằng, bạn đọc sẽ tìm thấy trong cuốn sách nhiều điều bổ ích và sử dụng tốt cuốn sách này trong nghiên cứu cũng như trong đời sống hằng ngày, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.

Cũng từ công trình nghiên cứu khoa học to lớn này mà đến nay “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” đã trở thành kim chỉ nam quý giá của rất nhiều thầy thuốc và là người bác sĩ gia đình không thể thiếu được trong nhiều nhà. Và một điều cũng rất đáng giá nữa là từ bộ sách này, đã có rất nhiều loại thuốc, bài thuốc được một số công ty dược trong nước bào chế sản xuất thành những loại thuốc có giá trị kinh tế cao và góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn.

Quốc Khánh

Tin cùng chuyên mục