Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam: Bước chân thần tốc

Thế giới...
Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam: Bước chân thần tốc

Đi sau thế giới 20 năm với nền tảng khoa học còn nhiều hạn chế nhưng chỉ sau 10 năm thực hiện, các chuyên gia Việt Nam về thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đã khiến thế giới phải ngạc nhiên.

Thế giới...

Hơn 30 năm trước, ngày 25-7-1978, em bé TTTON đầu tiên trên thế giới đã ra đời tại Anh. Trong những năm đầu tiên, các nhà khoa học đã thực hiện khoảng 5.000 chu kỳ để có hai trường hợp em bé TTTON ra đời. Mãi đến 2 năm sau, năm 1980, em bé TTTON thứ ba trên thế giới mới được ra đời tại Úc.

Vào thời điểm đó không ai tiên đoán được rằng 30 năm sau, TTTON có thể thực hiện được ở hầu hết các nước trên thế giới. Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 500.000 trường hợp TTTON được thực hiện. Tỷ lệ thành công đã tăng hơn 1.000 lần so với cách đây 30 năm! Ở các nước phát triển, các bé TTTON chiếm 2%-5% trên tổng số trẻ sơ sinh hàng năm.

Bên cạnh sự phát triển vượt bậc về hiệu quả điều trị, sau 30 năm phát triển, TTTON hiện nay đã trở thành một kỹ thuật đơn giản và an toàn hơn rất nhiều so với thời gian đầu. Những phát kiến mang tính cách mạng của TTTON trong 30 năm bao gồm: ứng dụng siêu âm trong chọc hút trứng, kỹ thuật ICSI, trữ lạnh phôi bằng vitrification và PGD (Pre-implantation Genetic Diagnosis)…

Hiện nay, ở hầu hết các nước, số chu kỳ thực hiện TTTON đều tăng với tốc độ ổn định. Ở nhiều nước phát triển, xu hướng nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí TTTON cho người dân ngày càng phổ biến. Xu hướng này đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của kỹ thuật TTTON và đem kỹ thuật này đến với nhiều người hơn.

...Và câu chuyện ở Việt Nam

Thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam: Bước chân thần tốc ảnh 1

Lồng thao tác chuyên dùng (NF Chamber) tại Khoa hiếm muộn của Bệnh viện Vạn Hạnh. Ảnh: LÃ ANH

20 năm sau, ngày 30-4-1998, ba em bé từ ba trường hợp TTTON thành công đầu tiên ở Việt Nam ra đời. Đây là một nỗ lực rất lớn của y khoa Việt Nam, khi mà TTTON ở Việt Nam được bắt đầu từ nền tảng khoa học còn nhiều yếu kém so với khu vực và thế giới. Ngay cả hiện nay, y học của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn so với khu vực và thế giới, trong khi TTTON là một kỹ thuật cao, tinh vi, đòi hỏi phải có nền tảng về y học và sinh học vững chắc để phát triển.

Khởi đầu từ vô vàn khó khăn như vậy nhưng với sự đầu tư và định hướng đúng đắn, chỉ sau 10 năm, Việt Nam đã được biết đến như là một trường phái mạnh về TTTON khi đạt được những kết quả tối ưu: chi phí thấp – hiệu quả cao – phát triển nhanh. Sau hơn 10 năm phát triển đã có 10 trung tâm TTTON được thành lập, thực hiện gần 4.000 chu kỳ TTTON mỗi năm. Không chỉ thu hút bệnh nhân trong nước, TTTON tại Việt Nam còn được xem là một dịch vụ y tế chất lượng cao, có uy tín được các bệnh nhân ở các nước trong khu vực và thế giới tìm đến chữa trị.

Hàng năm, có hàng trăm Việt kiều và người nước ngoài đến điều trị TTTON ở các trung tâm trong nước. Việt Nam hiện được xem là nước có số bệnh nhân được điều trị TTTON hàng năm nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đến nay, ước tính đã có gần 5.000 em bé ra đời từ kỹ thuật TTTON tại Việt Nam. Chi phí TTTON tại Việt Nam hiện thuộc loại thấp nhất thế giới (khoảng 2.500 USD, trong khi đó tại Mỹ là 15.000 USD, Philippines 11.000, Singapore là 10.000; Thái Lan 7.000), mặc dù tỷ lệ thành công khá cao. 

So với thế giới, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực TTTON của Việt Nam còn rất trẻ (tại các hội nghị khoa học quốc tế về TTTON, các báo cáo viên của Việt Nam luôn có tuổi đời và tuổi nghề nhỏ nhất) nhưng hiện tại, đội ngũ này đã tiếp cận được với trình độ thế giới.

Việt Nam hiện đang dẫn đầu trong khu vực về một số kỹ thuật và đạt đến trình độ thế giới ở một số kỹ thuật chuyên biệt như: IVF (trưởng thành trứng trong ống nghiệm); Vitrification (đông lạnh phôi  trứng bằng phương pháp thủy tinh hóa); sử dụng GnRH antagonist trong TTTON… Các báo cáo viên của Việt Nam thường xuyên được mời tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo trong khu vực. Một số thành tựu của ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam cũng được ghi nhận trên diễn đàn khoa học quốc tế, tại nhiều hội nghị khoa học.

Năm 2008, Việt Nam đã bắt đầu có những báo cáo khoa học được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Mới đây nhất là bài báo của Th.S – BS Vương Thị Ngọc Lan cùng cộng sự đã được đăng tải trên tạp chí Reproductive BioMedicine Online – một trong những tạp chí uy tín nhất thế giới về y sinh học do Giáo sư Robert Edward, người thực hiện TTTON đầu tiên trên thế giới làm tổng biên tập. Điều đáng nói là, hiện nay mỗi năm ngành y của Việt Nam chỉ có vài bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế, chủ yếu do các tác giả nước ngoài đứng tên chính, tác giả Việt Nam là cộng sự.

Cho đến nay, nhiều bác sĩ và chuyên viên phôi học từ các trung tâm TTTON của các nước trong khu vực đã và đang tham gia các đợt tham quan, học tập ở Việt Nam. Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu nhận học viên nước ngoài. Năm 2006, số học viên nước ngoài đến tham quan học tập nhiều nhất. Bệnh viện Từ Dũ đã đón rất nhiều đoàn học viên từ các nước: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Myanmar. Năm 2008, các nước Indonesia, Myanmar, Philippines tiếp tục cử học viên sang tham quan, học tập tại các bệnh viện: Vạn Hạnh, Phụ sản Trung ương.

Sự phát triển của kỹ thuật TTTON tại Việt Nam trong 10 năm qua đã và đang góp phần vào việc nâng cao uy tín của y học Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường
Tổng thư ký HOSREM (*)

(*) Hội Nội tiết – Sinh sản và Vô sinh TPHCM

Tin cùng chuyên mục