TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Sữa nhiễm melamine vô cùng nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng trẻ em

Ban Chỉ đạo TƯ 127Tăng cường kiểm tra các loại sữa nhập từ khu vực biên giới
TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Sữa nhiễm melamine vô cùng nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng trẻ em

Ngày 26-9, tại Hà Nội, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) và UNICEF đã tổ chức buổi họp báo xung quanh vụ sữa Trung Quốc có chất melamine gây sạn thận ở trẻ em. Tại buổi họp báo, TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam bày tỏ:

WHO và UNICEF tại Việt Nam rất kinh ngạc và lấy làm buồn trước tác động của sữa trẻ em bị nhiễm độc tố sản xuất tại Trung Quốc, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương…

- Ông có thể cho biết sự nguy hiểm của chất melamine trong sữa đối với người dân, nhất là với trẻ em khi sử dụng?

TS Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Sữa nhiễm melamine vô cùng nguy hiểm với sức khỏe, tính mạng trẻ em ảnh 1

WHO và UNICEF họp báo về vụ sữa gây sạn thận của Trung Quốc. Ảnh: Q.KHANH

TS JEAN-MARC OLIVÉ: Việc sản phẩm sữa bị nhiễm melamine gây tác hại vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của trẻ em, cũng như người lớn khi sử dụng. Người ta dùng melamine để đánh lừa người tiêu dùng nhằm làm tăng hàm lượng protein trong sữa. Khi trẻ dùng nhiều loại sữa có chất melamine sẽ bị sạn thận và sỏi thận. Qua tìm hiểu của WHO, phần lớn những đứa trẻ ở Trung Quốc bị sạn thận, tử vong đều trong độ tuổi dưới 2 tuổi. Đây là độ tuổi mà trẻ cần dùng rất nhiều sữa để phát triển sức khỏe và trí tuệ.

- Trẻ bị nhiễm độc chất melamine có biểu hiện lâm sàng như thế nào và việc điều trị có gì đặc biệt, thưa ông?

Những trẻ bị nhiễm độc melamine có biểu hiện, triệu chứng lâm sàng thường thấy là quấy khóc nhiều, nôn, tiếp đến là đi tiểu ra máu. Lượng máu trẻ đi tiểu ra nhiều hay ít phụ thuộc vào sự tổn thương ở thận hay bàng quang do sỏi gây ra. Ngoài những biểu hiện trên cũng có trường hợp trẻ bị thiểu niệu, hoặc vô niệu và tăng huyết áp do sỏi thận làm cản trở quá trình đi tiểu của trẻ.

Tuy nhiên đối với những trẻ bị sạn thận, sỏi thận do nhiễm độc melamine việc điều trị không có gì đặc biệt. Điều đặc biệt và đáng quan tâm nhất ở đây, chính là việc trẻ em bị sỏi thận, sạn thận là điều rất hiếm khi xảy ra nhất là trong độ tuổi đang bú mẹ. Phác đồ điều trị căn bệnh sạn thận và sỏi thận ở trẻ hoàn toàn giống với phác đồ điều các bệnh về sỏi thận thông thường khác. Quá trình và thời gian điều trị phụ thuộc vào lượng melamine đã được hấp thụ trong cơ thể trẻ. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của đứa trẻ mà có những phác đồ điều trị thích hợp. Với những sạn thận nhỏ có thể cho trẻ dùng thuốc để đẩy quá trình đi tiểu nhằm đào thải sạn ra khỏi thận và bàng quang. Nếu ở thể nặng có thể dùng biện pháp siêu âm để tán sỏi.

“Hành động của những kẻ gây tội ác trong vụ sản xuất sữa có chất melamine đã dẫn tới sự mất mát về tính mạng và đặt sự tăng trưởng, phát triển của trẻ trước rủi ro” - ông Jesper Morch, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam.

- Qua sự việc này, Việt Nam có thể rút ra được bài học gì thưa ông?

Sự kiện gây sốc này đã nêu bật rằng, lựa chọn an toàn và lành mạnh nhất mà các bậc cha mẹ lúc này cần làm là cho trẻ bú sữa mẹ. Các bậc cha mẹ nên nhận thức được sữa bột cho trẻ em có thể bị hỏng hoặc nhiễm độc trong suốt quá trình sản xuất, trong pha chế và sử dụng. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là một món quà lớn nhất mà một người mẹ có thể tặng cho con mình.

Đối với Việt Nam cũng vậy, cần phải xem xét lại và tập trung tuyên truyền nhiều hơn nữa việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bởi lẽ ở Việt Nam hiện nay số trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đang giảm sút, chỉ có 17% số bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ. Tiếp đến là vấn đề đảm bảo ATVSTP cũng như việc thực thi pháp luật về ATVSTP cần phải rất nghiêm túc khi mà Việt Nam đang có nhiều loại thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm có sử dụng hóa chất bảo quản.

- Xin cảm ơn ông.

Trung Kiên

Ban Chỉ đạo TƯ 127
Tăng cường kiểm tra các loại sữa nhập từ khu vực biên giới

(SGGP). – Trước diễn biến phức tạp của thị trường sữa, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng gian và gian lận thương mại (gọi là Ban Chỉ đạo 127 TƯ) vừa có công văn số 46/BCĐ-QLTT  yêu cầu: Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện xử lý nghiêm hành vi kinh doanh sản phẩm sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sữa nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa; đặc biệt, chú ý tới các loại sữa có xuất xứ từ Trung Quốc. Tại những tỉnh biên giới, lực lượng chức năng hải quan, biên phòng, công an, y tế có phương án kiểm tra, kiểm soát nhằm điều tra, phát hiện và ngăn chặn hiệu quả sản phẩm sữa nhập lậu, sữa giả, kém chất lượng của Trung Quốc ngay từ khu vực biên giới và cửa khẩu. Lực lượng công an, quản lý thị trường tập trung kiểm tra thị trường nội địa tại chợ, trung tâm thương mại lớn; đồng thời phối hợp ngành y tế tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn sản phẩm sữa vi phạm từ nguồn cung cấp được vận chuyển và lưu thông trên thị trường nội địa. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về kinh doanh, vận chuyển sữa có những hành vi vi phạm nêu trên.

* Ngày 26-9, Bộ Y tế đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền nội dung, thời lượng thông tin đến mọi đối tượng về sản phẩm sữa nói chung, sản phẩm sữa nhiễm melamine và các biện pháp bảo đảm ATVSTP. Từ đó giúp người tiêu dùng hiểu đúng tình hình, tránh hội chứng tẩy chay các sản phẩm sữa vẫn đảm bảo ATVSTP. Chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và các nước khác tiếp tục thu thập, cập nhật thông tin về sản phẩm sữa có chứa melamine và biện pháp xử lý. 

* Cục An toàn vệ sinh thực phẩm vừa ký quyết định thu hồi giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm do cơ quan này ký ngày 27-3-2008 đối với sản phẩm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng YiLi do Tập đoàn YiLi Nội Mông (Trung Quốc) sản xuất và Công ty TNHH Kim Ấn, TPHCM nhập khẩu sản phẩm sữa này vào Việt Nam. 

L.Phong - Q.Khánh

Tin cùng chuyên mục