Cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Miền Trung: Đã kiểm soát được dịch
Cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Theo nhận định, các ổ dịch cúm gia cầm mới có giảm nhưng nguy cơ lây lan là khó tránh khỏi khi thời tiết diễn biến bất thường, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ở các địa phương còn yếu, tư tưởng chủ quan lơ là của chính quyền địa phương và nhận thức của người chăn nuôi chưa tốt...

Cán bộ thú ý tỉnh Quảng Nam phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Điện

Cán bộ thú ý tỉnh Quảng Nam phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Văn Điện

Miền Trung: Đã kiểm soát được dịch

Sau 3 tuần bùng phát, các tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh đã cơ bản khống chế được dịch cúm H5N1. Riêng tỉnh Quảng Nam vừa xuất hiện dịch lở mồm long móng trên đàn heo.

Tính đến chiều 18-2, dịch cúm H5N1 đã xảy ra liên tiếp trên 6 đàn gia cầm tại Quảng Trị. Trên 85.000 con gia cầm mắc bệnh bị tiêu hủy. Ngành thú y Quảng Trị và các địa phương có dịch đã tập trung lực lượng bao vây, dập tắt các ổ dịch, tổ chức tiêm phòng 1 triệu liều vaccine cho đàn gia cầm có nguy cơ mắc dịch cao. Đồng thời, cấp khẩn cấp 4,5 tấn hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh tại các ổ dịch và các điểm có nguy cơ phát dịch. Bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch cúm gia cầm tại Quảng Trị đã được kiểm soát.

Ngày 18-2, bác sĩ Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhờ phát hiện, triển khai biện pháp khoanh vùng, bao vây dập dịch kịp thời nên đến thời điểm này Hà Tĩnh đã cơ bản khống chế thành công được 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Kỳ Trinh (huyện Kỳ Anh) và xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên). Được biết, hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh Hà Tĩnh lên đến 5,2 triệu con.

Tuy nhiên, trong năm 2011 vừa qua không có vaccine dẫn đến việc tiêm phòng dịch bệnh gia cầm không được triển khai. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lập tờ trình đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT xin hỗ trợ cho tỉnh 2 triệu liều vaccine từ nguồn dự trữ quốc gia và đã được hỗ trợ trước mắt 200.000 liều vaccine (số vaccine này mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu). Hiện tỉnh đang tập trung toàn nhân lực, phương tiện triển khai tiêm phòng, bao vây khống chế dịch cho đàn gia cầm tại địa bàn 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Ngày 18-2, ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết ngành thú y tỉnh đang nỗ lực triển khai các biện pháp cấp bách khống chế các ổ dịch cúm gia cầm H5N1, không để lây lan ra diện rộng. Ổ dịch tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (huyện Duy Xuyên) diễn biến phức tạp vì người dân nuôi vịt trên một đoạn sông ngắn nên dịch lây lan rất nhanh và khó kiểm soát.

Đến nay toàn huyện Duy Xuyên có gần 11.000 con vịt bị nhiễm cúm H5N1, trong đó số gia cầm buộc phải tiêu hủy bắt buộc là 10.620 con. Hiện các ổ dịch đã được ngành thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng, khoanh vùng nhằm hạn chế lây lan. Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 đe dọa đến 4,6 triệu con gia cầm trên toàn tỉnh, trong đó nguy cơ cao là 858.000 con vịt, ngành thú y tham mưu tỉnh Quảng Nam cho công bố dịch trên toàn địa bàn xã Duy Trinh.

Trong khi dịch cúm gia cầm bùng phát và diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xuất hiện tình trạng heo phát bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn hai huyện Quế Sơn (18 con), Điện Bàn (43 con) và có nguy cơ lan rộng.

Cán bộ thú y xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tiêm phòng gia cầm có nguy cơ mắc cúm H5N1. Ảnh: Khôi Nguyên

Cán bộ thú y xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tiêm phòng gia cầm có nguy cơ mắc cúm H5N1. Ảnh: Khôi Nguyên

Không thể thờ ơ

Sáng 18-2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã họp với các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, bàn biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm đang có xu hướng lây lan trên diện rộng. Tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: virus cúm gia cầm đang lưu hành ở phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.

Đối với nhánh virus đang lưu hành ở phía Bắc, miền Trung Tây Nguyên tỷ lệ bảo hộ khi tiêm phòng vaccine Re-5 (Trung Quốc) đạt thấp, vì vậy từ đầu năm 2011 loại vaccine này đã được ngừng sử dụng tại các khu vực nói trên. Tuy nhiên, vaccine Re-5 vẫn đạt hiệu quả cao trong phòng chống dịch tại phía Nam và số lượng dự trữ còn đủ cho cả khu vực đến hết năm 2012 nên vẫn được sử dụng.

Việc virus cúm gia cầm biến đổi tại 2 miền Bắc - Nam cùng với diễn biến thời tiết bất thường và việc chưa quản lý tốt quá trình vận chuyển gia cầm khiến dịch bùng phát trở lại và diễn biến dịch ngày càng phức tạp. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng trên cả nước, Cục Thú y đã làm thủ tục tiếp tục nhập khẩu khẩn cấp 100 triệu liều vaccine cúm gia cầm H5N2 để phục vụ công tác phòng chống dịch. Dự kiến đến cuối tháng 2 số vaccine này sẽ về đến Việt Nam.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan trên diện rộng, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: Thời điểm hiện nay, ưu tiên hàng đầu là cấp bách chống dịch, ngăn chặn dịch lây lan; không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và giảm thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Bộ trưởng yêu cầu Cục Thú y lấy mẫu giám sát sự lưu hành virus cúm gia cầm ở các ổ dịch cũng như các vùng miền trên cả nước, trên cơ sở đó tập trung tiêm phòng khống chế dịch, đồng thời phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác này, huy động mọi nguồn lực, sử dụng mọi biện pháp để chấm dứt dịch.

Theo báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát tại 11 tỉnh, thành ở mức độ rải rác. Tổng số gia cầm mắc bệnh là hơn 12.000 con, trong đó khoảng 5.000 con bị chết; 34.000 con bị tiêu hủy; đã có 2 người chết do nhiễm cúm H5N1 tại Kiên Giang và Sóc Trăng.

Nhận định về diễn biến dịch trong thời gian tới, đại diện Cục Thú y cho biết, các ổ dịch mới có giảm nhưng nguy cơ lây lan là khó tránh khỏi khi thời tiết diễn biến bất thường, công tác kiểm soát việc vận chuyển gia cầm ở các địa phương còn yếu, tư tưởng chủ quan lơ là của chính quyền địa phương và nhận thức của người chăn nuôi chưa tốt, nhiều nơi địa phương còn giấu dịch, người chăn nuôi còn ăn gia cầm ốm, chết. Đây là những yếu tố khiến dịch cúm gia cầm dễ lây lan…

Cúm A/H5N1 nguy hiểm nhất

Bộ Y tế cho biết, Việt Nam mới đây đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A/H3N2 từ heo nhưng hiện nay dịch cúm A/H5N1 lây lan từ gia cầm, thủy cầm sang người vẫn đáng sợ và lo ngại nhất. TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới quốc gia cho biết, virus cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ heo mặc dù mới nhưng không nguy hiểm, thường là cúm mùa thông thường. Do đó, phần lớn bệnh nhân nhiễm cúm A/H3N2 đều khỏi bệnh nhanh chóng khi được điều trị kịp thời.

Cho đến nay, thế giới mới phát hiện khoảng 10 trường hợp nhiễm chủng cúm H3N2 từ heo và chưa có bằng chứng thấy lây từ người sang người.

TS Nguyễn Văn Kính cảnh báo, nguy hiểm và đáng lo ngại nhất hiện nay vẫn là cúm A/H5N1 lây lan từ gia cầm sang người. Qua giám sát cho thấy, dịch cúm gia cầm H5N1 hiện ghi nhận tại 11 tỉnh thành trong cả nước với hàng vạn con gà, vịt bị mắc bệnh. Đặc biệt, cơ quan chuyên môn tiếp tục phát hiện trên các đàn thủy cầm đang nuôi, bán tại nhiều nơi tuy không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh cúm nhưng vẫn mang virus H5N1. Vì vậy, đây là mối đe dọa lớn nhất.

Hơn nữa, trong các loại bệnh cúm ở người, virus cúm A/H5N1 có độc lực mạnh nhất, diễn biến nhanh và nguy cơ tử vong cao. Trong vòng 2 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 thì tất cả đều tử vong nhanh chóng sau khi nhiễm bệnh. TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cúm A/H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm nhiễm virus cúm A/H5N1 sang người là virus có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong rất cao.

Tại thời điểm này, tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% trong số ca bệnh được phát hiện. Bên cạnh đó, hiện nay các loại vaccine phòng cúm đang được sử dụng tại Việt Nam mới chỉ phòng bệnh cúm thông thường như cúm A (H3N1, H3N2, H1N1) và chưa có vaccine phòng cúm A/H5N1 trên người.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục