Phòng chống dịch cúm gia cầm - Loay hoay vì thiếu vaccine

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang bùng phát, lây lan mạnh ở nhiều địa phương, chiều 23-2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương trong cả nước để bàn phương án dập dịch. Tuy nhiên, các địa phương đều “kêu” rằng việc dập dịch gặp khó khăn do thiếu vaccine.

Trước tình trạng dịch cúm gia cầm đang bùng phát, lây lan mạnh ở nhiều địa phương, chiều 23-2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã triệu tập cuộc họp khẩn với các địa phương trong cả nước để bàn phương án dập dịch. Tuy nhiên, các địa phương đều “kêu” rằng việc dập dịch gặp khó khăn do thiếu vaccine.

  • Cần bản đồ chủng virus

Tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên địa bàn 36 xã, phường của 29 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng số gia cầm chết, mắc bệnh và tiêu hủy là 51.900 con. Đó là chưa kể hiện tượng tại một số địa phương khác như Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An xuất hiện gia cầm ốm chết nhưng chưa có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm để biết có phải là cúm gia cầm hay không.

Từ tháng 9-2011 đến nay, Cục Thú y giám sát virus cúm H5N1 lưu hành cho thấy, đã lấy 4.000 mẫu xét nghiệm, phát hiện virus lưu hành tại 15 tỉnh, thành trên cả 3 miền. Trong đó, nhiều tỉnh có tỷ lệ virus lưu hành cao như Hà Tĩnh, Quảng Nam xấp xỉ 25%.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương Nguyễn Hữu Dương cho biết, hiện toàn tỉnh có 10 triệu con gia cầm. Do vậy, cúm gia cầm xuất hiện đã gây lo lắng cho hầu hết các hộ chăn nuôi trong tỉnh. Qua kiểm tra tại ổ dịch cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến dịch bùng phát là do môi trường chăn nuôi không đảm bảo, vệ sinh chuồng trại kém, kiểm soát chất lượng con giống đầu vào còn bỏ ngỏ.

Theo ông Dương, khó nhất là hiện vẫn chưa xác định được virus lưu hành trên địa bàn tỉnh thuộc chủng nào. Có thể, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch lây lan. Do vậy, các địa phương đang đề nghị Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng có bản đồ phân bố chủng cúm để các địa phương sử dụng vaccine phù hợp.

  • Nghi ngờ vaccine

Cũng tại cuộc họp chiều qua, hầu hết các địa phương đang có dịch đều kiến nghị Bộ NN-PTNT khẩn trương cung ứng vaccine để phục vụ dập dịch, mặc dù hiện nay tính hiệu lực của vaccine đang sử dụng vẫn còn nhiều người hồ nghi. Theo khảo sát thời gian qua cho thấy, tỷ lệ bảo hộ của vaccine đối với chủng virus H5N1 nhánh mới rất thấp, 1 nhánh đạt 40% - 50%, nhánh còn lại tỷ lệ bảo hộ là 0%.

Bên cạnh việc thiếu vaccine, nhiều tỉnh, thành cũng lo lắng về việc không kiểm soát được khâu vận chuyển, dẫn đến dịch dễ phát tán rộng. Một đại diện TP Hải Phòng, nơi vừa công bố dịch cúm gia cầm cho biết, địa phương này có nhiều trục giao thông nối với các địa phương khác, lượng gia súc, gia cầm vận chuyển qua đây rất lớn, đây cũng là một trong những nguồn phát tán gia cầm bệnh. Do vậy, các địa phương cần làm tốt khâu kiểm soát, kiên quyết không để gia cầm bệnh bán tháo đi các nơi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, cuối tháng 2, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành bản đồ phân bố xác định rõ chủng virus trên địa bàn từng tỉnh, thành và sẽ cấp vaccine cho các tỉnh. Hiện tại, Bộ NN-PTNT chỉ ưu tiên cấp vaccine cho các tỉnh đang có dịch.

Bộ NN-PTNT cũng cảnh báo các địa phương, hiện nay điều kiện thời tiết ở miền Bắc rất thuận lợi cho virus phát triển, rét đậm, độ ẩm cao là môi trường lý tưởng của virus. Trong khi đó, miền Nam lại xuất hiện mưa trái mùa, diễn biến dịch thời gian tới sẽ còn phức tạp. Bởi vậy, các tỉnh phải siết chặt hơn nữa việc ngăn chặn dịch, không được chủ quan, lơ là như thời gian qua.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh này vừa đình chỉ chức vụ đối với 1 trạm trưởng trạm thú y vì lơ là trong phòng chống dịch. Đến nay, dịch đã làm 13.000 gia cầm trên địa bàn tỉnh phải tiêu hủy, đến ngày 23-2 vẫn tiếp tục xuất hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có chỉ thị nêu rõ, nơi nào để dịch xảy ra mà chậm báo cáo thì chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Ông Quyền kiến nghị, cần cấp ngay vaccine cho tỉnh này để bao vây dập dịch.

VĂN NGUYỄN


TPHCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm 

Chiều 23-2, sau buổi họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm quốc gia, UBND TPHCM có buổi họp với các quận, huyện sở ngành nhằm triển khai chỉ thị của TP về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và triển khai tháng hành động tiêu độc khử trùng từ 15-2 đến 15-3.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí nhấn mạnh: Tất cả các quận, huyện cần lập hoặc củng cố, ổn định nhân sự ban chỉ đạo để làm việc. Trước tình hình dịch bệnh lây lan và diễn biến thời tiết phức tạp, việc phòng chống dịch bệnh không còn là chuyện của một ngành nào mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng lo chuyện an toàn dịch tễ cho cộng đồng. Với các địa phương, bên cạnh quản lý chặt địa bàn, cần giải quyết dứt điểm 135 chợ còn bán gia cầm sống, không rõ nguồn gốc. Ban chỉ đạo quận huyện và TP phân loại các chợ để cùng kiểm tra và giải quyết.

UBND TP sẽ lập một đoàn kiểm tra sau khi triển khai chỉ thị này 1 tuần. Ban chỉ đạo các địa phương phải có báo cáo hàng tuần cho TP tình hình trên địa bàn. Gia súc gia cầm chết bất thường phải báo cáo ngay cho TP để phun xịt tiệt trùng và khống chế. Sở Y tế phải chủ động trước các phương án đề phòng những trường hợp bị lây nhiễm…  

Đ.C.P.

Thông tin liên quan

Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp

Tin cùng chuyên mục