Nhiệm vụ cấp bách

“Vùng trũng” y tế, giáo dục - đào tạo ĐBSCL đang vượt trội về tỷ lệ người nhiễm HIV bị lây truyền qua đường tình dục.
Nhiệm vụ cấp bách

“Vùng trũng” y tế, giáo dục - đào tạo ĐBSCL đang vượt trội về tỷ lệ người nhiễm HIV bị lây truyền qua đường tình dục.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục của khu vực này đã tăng nhanh gấp 2,4 lần, từ 32% năm 2007 lên 76% năm 2011, cao nhất cả nước và cao hơn nhiều so bình quân cả nước là 41,4%.

Hiện toàn vùng có 30.117 người nhiễm HIV, trong đó mắc AIDS còn sống là 7.103 người, đã tử vong 10.522 người. An Giang là địa phương có số nhiễm HIV còn sống cao nhất với 4.450 người, Đồng Tháp: 3.776 người, Kiên Giang: 3.714 người và TP Cần Thơ: 3.645 người. Tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân của TP Cần Thơ là 304 cao nhất vùng, kế đến là Bạc Liêu: 243, Đồng Tháp: 225, Kiên Giang: 218 và An Giang là 206 người. Những con số thống kê rất đáng để... giật mình.

Theo nhận định của Bộ Y tế, ĐBSCL đang ở giai đoạn tập trung trong nhóm nguy cơ cao. Các tỉnh đã có nhiều cố gắng xây dựng mạng lưới tuyên truyền với 617 tuyên truyền viên đồng đẳng ở nhóm phụ nữ bán dâm, cao hơn 1,7 lần so với khu vực Đông Nam bộ. Trong năm 2011, chương trình phân phát bao cao su miễn phí đã được triển khai tại 91 quận/huyện, chiếm hơn 53% số quận, huyện và 852 xã, phường, chiếm gần 42% số xã, phường trong vùng với hơn 6,7 triệu bao cao su đã cấp phát, chiếm 23,5% số bao cao su cấp phát miễn phí cả nước.

“Dụng cụ” đã có, nhưng vấn đề đáng lo ngại là người dùng. Lý giải về những con số đáng lo ngại của ĐBSCL hiện nay, Bộ Y tế nêu ra 4 nguyên nhân cần quan tâm. Đó là nhận thức của người dân về đại dịch HIV/AIDS, đầu tư ngân sách còn nhiều hạn chế, nhân lực chuyên môn và cơ sở vật chất yếu kém.

Đoàn viên thanh niên đi đầu trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: A.TR.

Đoàn viên thanh niên đi đầu trong tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: A.TR.

Kinh phí đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS trong vùng ĐBSCL thời gian qua chủ yếu từ chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, chiếm đến 77,2%. Năm 2011, toàn vùng được đầu tư 126 tỷ đồng, bình quân 9,6 tỷ đồng/tỉnh; trong đó, một số địa phương tiếp nhận nguồn kinh phí rất thấp như Trà Vinh (3,7 tỷ đồng/năm), Bạc Liêu (4,3 tỷ đồng/năm).

Trong điều kiện nước ta vừa thoát khỏi tình trạng nước nghèo, nguồn viện trợ cho lĩnh vực này bị cắt giảm, sẽ rất khó khăn cho các địa phương đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS. Cách tiếp cận vốn để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, ngoài việc tiếp tục tranh thủ các nguồn viện trợ, đóng góp của cộng đồng, phải cân đối lại từ nguồn ngân sách để đầu tư. Lâu nay, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, theo quy định phải ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục theo tỷ lệ 70%, còn 30% các địa phương chủ động đầu tư cho các mục tiêu bức xúc khác. Tại Hội nghị tổng kết năm 2011 của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa qua, các địa phương đã thống nhất đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương để địa phương chủ động sử dụng 40% nguồn thu này cho các mục tiêu bức xúc khác.

Đã đến lúc cần xác định nhiệm vụ phòng, chống đại dịch HIV/AIDS là nhiệm vụ cấp bách để quan tâm đầu tư ngân sách thay cho việc chủ yếu trông chờ vào nguồn viện trợ như thời gian qua. Đừng để những con số thống kê đứng đầu cả nước về HIV/AIDS che mất ánh sáng lấp lánh của kỳ tích hạt gạo, trái cây, thủy sản vùng ĐBSCL. 

TRẦN HỮU HIỆP

Tin cùng chuyên mục