Hóa chất phụ gia - Tác hại khôn lường

Hải sản “ngậm” phân urê tưởng... tươi ngon
Hóa chất phụ gia - Tác hại khôn lường

Là người xách giỏ đi chợ, người buôn bán ngay chính phụ gia thực phẩm nhưng không ít bà nội trợ lẫn tiểu thương vẫn thiếu hiểu biết về hóa chất phụ gia (HCPG). Điều này dẫn đến nguy hại là nhiều thực phẩm tẩm HCPG được chế biến và ăn uống mỗi ngày. Đó là những khuyến cáo báo động của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong cuộc vận động “Nói không với hóa chất phụ gia thực phẩm” mới đây tại TPHCM.

Buôn bán hóa chất phụ gia tràn lan ở chợ Kim Biên, quận 5.

Buôn bán hóa chất phụ gia tràn lan ở chợ Kim Biên, quận 5.

Hải sản “ngậm” phân urê tưởng... tươi ngon

Đã nhiều năm quản lý tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), bà Lưu Thị Lý cho biết mỗi ngày chợ tiêu thụ hàng tấn rau, củ quả và thịt, cá các loại. Với 630 quầy sạp, theo bà Lý thì hết phân nửa là buôn bán thực phẩm tươi sống và chế biến. Vậy nhưng, bà Lý nói “chắc như đinh đóng cột” là hầu như rất ít tiểu thương hiểu biết về HCPG. “Buôn bán thì ai mà chẳng muốn hàng mình đẹp, tươi, bắt mắt để thu hút khách. Nhưng đâu phải cái nào muốn tươi cũng tươi nếu không có hóa chất”, bà Lý nói.

Bà Lý dẫn chứng, cách nay không lâu đã có người dân tới phản ánh và “làm to chuyện” với ban quản lý chợ về việc một sạp bán chả bò viên không đảm bảo chất lượng, mua về ăn bị ngộ độc. Sau đó lấy mẫu kiểm tra thì đúng chả bò viên của quầy sạp đó đã sử dụng hàn the quá nhiều.

Qua trao đổi, nhiều tiểu thương các chợ cũng cho biết hầu hết các mặt hàng tươi sống đều ít nhiều cho thêm hóa chất này, hóa chất kia. Chẳng hạn để cho mực trắng tươi, cọng râu mực cứng thì ắt hẳn phải cho thêm phân urê vào. Thế nhưng nhiều người đi chợ cứ chọn mực trắng tươi mua chứ không chịu mua mực ươn bèo nhèo.

Người đi chợ mua nhầm thực phẩm tẩm hóa chất, tiểu thương mù mờ với HCPG đã đành, nhưng ngay chính những người buôn bán HCPG cũng ít am hiểu về mặt hàng này. Nhiều quầy hàng HCPG vẫn bày bán lẫn lộn với các thực phẩm hoặc hóa chất công nghiệp, thông tin về nhãn thành phần các loại HCPG gần như “mù tịt”.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa (kinh doanh HCPG ở chợ Kim Biên, quận 5) nói, hầu như những người đến mua đều không hiểu thế nào là HCPG an toàn hay không an toàn. Ngay như chính người bán HCPG cũng khó biết được thành phần bên trong các loại HCPG gồm những gì vì thiếu kiến thức. “Khi nhập hàng về thì bên ngoài nhãn hàng hóa chỉ ghi là chất tạo giòn, chất tạo dai, rồi kèm theo là các thành phần toàn viết bằng công thức và số thì đố ai mà biết có độc hại hay không”, ông Nghĩa cho biết.

Quản lý bất cập

Theo bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, chợ đầu mối về các loại HCPG, thì hiện chợ có 17 hộ kinh doanh với 21 sạp hàng HCPG. Tuy số lượng hộ kinh doanh nhỏ so với các ngành khác nhưng rất quan trọng do là phụ gia nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thực phẩm, phục vụ nhu cầu ăn uống mỗi ngày của người dân. “Ngoài yêu cầu các hộ kinh doanh HCPG chấp hành quy định pháp luật thì ban quản lý chợ cũng chỉ tuyên truyền buôn bán HCPG có nguồn gốc xuất xứ, tránh gây ngộ độc thôi”, bà Nhung nói.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, TPHCM là địa bàn kinh doanh, tiêu thụ lớn nhất cả nước về HCPG. Qua khảo sát khu vực phía Nam, một tỷ lệ không nhỏ các loại thực phẩm tươi sống và qua chế biến có dư lượng các hóa chất như formol, hàn the, phẩm màu kiềm, chất bảo quản. “Hiện cả nước có khoảng 20 công ty chuyên nhập khẩu chính ngạch HCPG, trong đó 30% có xuất xứ từ Trung Quốc”, Tiến sĩ Phong cho biết thêm. Ngoài ra chưa kể một số lượng nhập lậu HCPG rất lớn qua các đường tiểu ngạch, bởi thực tế theo thống kê của Bộ Y tế, khả năng sản xuất HCPG trong nước chỉ đáp ứng khoảng 5%-10% nhu cầu.

Thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng

Bên cạnh chạy theo lợi nhuận, theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, 42% người kinh doanh thiếu hiểu biết về HCPG. Tình trạng sử dụng HCPG bừa bãi vẫn còn xảy ra trên nhiều địa phương, ngay cả TPHCM. Tình trạng bán HCPG lẫn lộn với mì tôm, bánh kẹo, thuốc trừ sâu vẫn còn.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong cho rằng khả năng giám sát là rất hạn chế bởi có hàng ngàn cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, hàng trăm ngàn hộ chăn nuôi gia đình, thì không thể cơ quan chức năng ngồi kè kè mà canh chừng. “Có 10 ông thanh tra ngồi ở cơ sở sản xuất bánh phở để giám sát ngày đêm được không? Thậm chí chỉ cần lơ mắt đi, họ ném một nắm hàn the là xong”, Tiến sĩ Phong nói. Do đó, vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra là nâng cao tuyên truyền để tăng kiến thức hiểu biết, thay đổi hành vi cho người dân, nhất là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời ngay chính người tiêu dùng, cụ thể là các bà nội trợ cũng phải trang bị kiến thức về HCPG để lựa chọn thực phẩm an toàn cho mình và gia đình.

Bà Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng HCPG sử dụng tràn lan trong thực phẩm đã đến hồi báo động, không chỉ nguy hại sức khỏe cho thế hệ hôm nay mà còn ảnh hưởng đến nòi giống sau này.

Bà Bình kêu gọi ban quản lý các chợ thành lập các hội phụ nữ và kết nạp các chị em tiểu thương làm hội viên, tích cực vận động chị em tiểu thương “nói không” với HCPG. Mặt khác, cần nêu cao trách nhiệm của hội phụ nữ các cấp trong tuyên truyền, vận động chị em nội trợ tự tìm hiểu kiến thức về thực phẩm an toàn, mạnh dạn tố giác các sạp hàng, mặt hàng thực phẩm có sử dụng HCPG nguy hại. Trước hết là không nên mua các loại thực phẩm không có xuất xứ rõ ràng, không nhãn mác. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần có trách nhiệm trong việc quy hoạch kinh doanh-buôn bán ngành hàng HCPG. “Phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt cũng như chế tài mạnh đối với các hộ kinh doanh HCPG”, bà Bình nói.

Nhiều thực phẩm “ngậm” hóa chất vượt ngưỡng cho phép

  • Miền Bắc:

– 15,6% mẫu bánh phở, bánh giò dương tính với hàn the;

– 12,5% mẫu nước giải khát có chất bảo quản vượt ngưỡng cho phép;

– 12% mẫu mì ăn liền có phẩm màu kiềm.

  • Miền Nam:

– 17,2% mẫu tôm tươi, bún dương tính với formol.

  • Tây Nguyên:

– 22,7% mẫu bánh, mứt, kẹo sử dụng phụ gia vượt ngưỡng cho phép.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục