Nâng cao chất lượng khám, điều trị, phục vụ người bệnh

Tại hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 26-1 tại TPHCM, GS-TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết y học Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ngang tầm y học khu vực và thế giới, như ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, ứng dụng tế bào gốc…

(SGGP).- Tại hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Vụ Các vấn đề xã hội Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Báo Lao Động tổ chức ngày 26-1 tại TPHCM, GS-TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết y học Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu ngang tầm y học khu vực và thế giới, như ghép tạng, can thiệp tim mạch, ung bướu, nội soi phẫu thuật, ứng dụng tế bào gốc…

Ngoài ra, các bác sĩ nhiều nước trong khu vực đã phải đến Việt Nam học tập kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam… Tuy nhiên, thực tế cho thấy hàng năm vẫn có không ít bệnh nhân vẫn ra nước ngoài điều trị, tốn kém nhiều tiền bạc. Nguyên do được các đại biểu đề cập không chỉ do tâm lý sính ngoại của một bộ phận người bệnh mà còn vì cơ sở vật chất, dịch vụ y tế trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.

TS Nguyễn Thy Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho rằng số đông bệnh viện trong nước chưa chuyên nghiệp, chưa thống kê được xem mình làm được cái gì, có thế mạnh gì để giữ và thu hút người bệnh, bệnh viện công có chuyên môn nhưng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị…

BS Hoàng Lương, Giám đốc BV Tai-Mũi-Họng Sài Gòn nói không ít trường hợp đi nước ngoài điều trị nhưng cuối cùng  quay về Việt Nam điều trị lại. Các bệnh viện tư nhân rất muốn giữ và thu hút người bệnh nhưng lại khó khăn trong đầu tư.

So sánh giá của một số kỹ thuật y tế trong nước với giá ở Singapore, TS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết giá ở Singapore đắt gấp trung bình 8-9 lần như thay khớp háng, khớp gối ở Việt Nam chỉ khoảng 90 triệu đồng nhưng ở Singapore tới 570 triệu đồng… Vậy nhưng, TS Phú cho biết có trường hợp bệnh nhân Campuchia bị khối u ở chân 12,5kg qua Thái Lan, Singapore điều trị không hết, nhưng khi đến BV Nhân dân 115 được điều trị khỏi, giá lại rẻ hơn nhiều…

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quyết Tiến, các bệnh viện công ở Việt Nam có chuyên môn giỏi nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Còn các bệnh viện tư nhân thì ngược lại. Do đó cần có sự phối hợp, cân bằng để giữ và thu hút người bệnh.

Thứ trưởng Nguyễn Quyết Tiến thừa nhận tình trạng người bệnh ra nước ngoài điều trị là mất một nguồn tiền rất lớn, trong đó nguyên nhân một phần do cơ chế, chính sách bất cập, chưa hợp lý. Vì vậy, Bộ Y tế tiến tới tham mưu Chính phủ có những biện pháp để nâng cao chất lượng khám, điều trị, dịch vụ cả bệnh viện công lẫn tư để phục vụ người bệnh tốt hơn.

Tg.Lâm

Tin cùng chuyên mục