Dịch heo tai xanh trở lại

Dịch heo tai xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan nhanh. Để khống chế và dập dịch, tỉnh Quảng Nam đã công bố dịch và ban hành lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo và sản phẩm từ heo. Và ngay sau lệnh cấm này, hàng ngàn người nuôi heo ở địa phương này điêu đứng bởi nguy cơ trắng tay.

Liên tiếp nhiều tuần qua, các huyện Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn, Nông Sơn, từ chính quyền, thú y cơ sở cho đến người dân đều vật vã vì dịch heo tai xanh. Mặc dù ra sức dập dịch nhưng số lượng heo nhiễm bệnh ngày một tăng. Ngay sau Tết Nguyên đán, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh heo tai xanh, ngày 18-2, UBND tỉnh Quảng Nam đã cho công bố dịch trên địa bàn toàn tỉnh cũng như ban hành lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo và sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn để hạn chế dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, các ổ dịch vẫn xuất hiện và không có dấu hiệu chững lại.

Đến nay, trên địa bàn Quảng Nam đã có hơn 2.700 con heo mắc bệnh, ít nhất 550 con heo phải tiêu hủy bắt buộc. Đợt dịch heo tai xanh lần này “nóng” nhất là tại huyện Đại Lộc với 9 xã gồm: Đại Tân, Đại Phong, Đại Cường, Đại Minh, Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Hòa, thị trấn Ái Nghĩa có dịch với tổng số heo mắc bệnh là 1.600 con (tăng 355 con so với chiều ngày 19-2). Trong đó, gần 300 con phải tiêu hủy khẩn cấp.

Điều đáng nói, dịch heo tai xanh xuất hiện ở Quảng Nam trong năm nay quá sớm (thường vào tháng 9 hàng năm mới có dịch - PV), diễn biến phức tạp và lây lan rất nhanh.

Dịch bệnh trên heo diễn ra trên diện rộng, nhất là khi có 2 người chết do tiếp xúc với heo bệnh, đã khiến ngành chăn nuôi điêu đứng. Từ trước tết, chưa đợi đến khi công bố dịch, người dân Quảng Nam đã âm thầm tẩy chay thịt heo dẫn đến heo rớt giá thảm hại. Nhiều hộ dân do lỗ nhiều nên không chịu bán chạy dịch và giữ lại mong sau tết bán được giá. Thế nhưng, sau tết, dịch lây lan nhanh khiến người chăn nuôi thêm một lần nữa… điêu đứng.

Công ty cổ phần Chăn nuôi miền Trung (đóng tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn) có đến 4.000 con heo thịt đã đến ngày xuất chuồng (chừng 80 đến 100kg/con, tương đương khoảng 16 tỷ đồng) đang gặp khó trong làn sóng dịch heo tai xanh.

Ông Trần Quốc Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi miền Trung cho biết: “Năm nay lượng heo tiêu thụ chậm nên ứ đọng nhiều, nay thêm dịch heo tai xanh khiến 4.000 con heo thịt của chúng tôi không thể tiêu thụ được mặc dù quy trình chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi rất nghiêm ngặt. Chúng tôi đã có tờ trình gửi Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam mong muốn có cơ chế kiểm dịch tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng Chi cục Thú y tỉnh không đồng ý. Hiện nay, mỗi ngày chúng tôi phải chịu gần 90 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn heo, cứ kéo dài một ngày là đẩy doanh nghiệp thêm một bước đến bờ vực phá sản”.

Ngày 23-2, ông Trần Hùng, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại trang trại chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Song Toàn, ngụ xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh vừa xảy ra hiện tượng gà nuôi bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Trang trại ông Toàn nuôi 353 con gà sao siêu trứng Ấn Độ, sáng ngày 20-2 gia đình phát hiện hơn 100 con chết trong chuồng. Những con còn sống có biểu hiện rụt cổ, tái mồng, phân trắng và nước dãi chảy nhiều, đến ngày 21-2 thì toàn bộ đàn gà chết hết, thiệt hại trên 110 triệu đồng.

Đến ngày 23-2, thôn Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đã có 84 con heo chết trong tổng số gần 200 con heo bị mắc bệnh tai xanh. Theo Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) và xã Phong Thạnh Đông A (huyện Giá Rai), đã có 76 con heo mắc bệnh tai xanh. Trong đó có 16 con chết do người dân tự tiêu hủy và 58 con mắc bệnh được cán bộ thú y tiêu hủy theo đúng quy trình.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục