Bao giờ có lời giải?

Bao giờ có lời giải?

Hơn 2 năm qua, trước căn “bệnh lạ” hoành hành ở huyện Ba Tơ và nay là thêm huyện Sơn Hà, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn công tác, với sự tham gia của không ít chuyên gia đầu ngành tới địa phương để hỗ trợ và tìm hiểu về căn bệnh này nhưng tới nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh vẫn chưa rõ ràng.

Chuyên gia của Bộ Y tế khám cho người dân mắc bệnh lạ ở xã Ba Điền.

Chuyên gia của Bộ Y tế khám cho người dân mắc bệnh lạ ở xã Ba Điền.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong số những bệnh nhân mắc mới nhất thì hiện có 4 ca có biểu hiện dày sừng, tổn thương da nhưng không có hiện tượng men gan tăng, đây là đặc điểm khác lạ so với các trường hợp mắc trước đây. Bên cạnh đó, qua xét nghiệm mẫu gạo mà nhiều hộ dân ở xã Ba Điền sử dụng tại phòng thí nghiệm ở Hong Kong đã tìm thấy một số loại nấm độc trong gạo nhưng để tìm được ra cụ thể là loại nấm gì, tác nhân gây bệnh như thế nào thì cần thời gian và tiếp tục nghiên cứu. Trong khi những xét nghiệm trước đó của ngành y tế cho thấy, trong lúa ủ, gạo ủ của người dân ở Ba Điền có nhiều loại nấm mốc và chất Aflatoxin là một tác nhân gây suy gan, suy giảm hệ thống miễn dịch, gan nhiễm mỡ.

Ông Bình cho rằng, việc sử dụng lâu dài gạo nhiễm nấm độc sẽ gây hại cho gan mà biểu hiện bên ngoài là dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, đồng thời bệnh “lạ” nhiều khả năng liên quan đến nguyên nhân nhiễm độc trên người có tình trạng dinh dưỡng kém và thiếu một số yếu tố vi lượng. Nhận định này xem ra khá tương đồng với khảo sát mới đây của Trung tâm Y tế Ba Tơ đối với những hộ có gia đình mắc “bệnh lạ” cho thấy: Các gia đình có kinh tế khó khăn, ăn gạo do gia đình sản xuất (gặt lúa nhưng phơi chưa được khô đã đem vào sử dụng) và ăn gạo tự mua; dinh dưỡng bữa ăn thiếu thốn; vệ sinh xung quanh khuôn viên nhà ở còn bẩn.

Trước hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân bùng phát trở lại, từ đầu tuần tới nay, đoàn công tác của Bộ Y tế gồm một số chuyên gia của Viện Da liễu Trung ương, Viện Pasteur Nha Trang đã tới Quảng Ngãi để hỗ trợ địa phương trong việc dự phòng, điều trị và tìm hiểu những thay đổi khác lạ của hội chứng này. Một chuyên gia của Viện Da liễu Trung ương cho biết, trong khi chưa xác định, làm rõ được nguyên nhân gây ra hội chứng này, cơ quan y tế tiếp tục đề nghị địa phương và người dân tăng cường vệ sinh môi trường, xử lý nguồn nước, sử dụng gạo sạch, đồng thời đẩy mạnh sát khuẩn cộng đồng và chăm sóc nâng cao thể trạng cho người bệnh.

Trong khi đó, BS Đặng Thị Phượng, cho biết, trong tuần này và tuần sau, Trung tâm Y tế Ba Tơ sẽ tiếp tục khám sàng lọc, lấy máu xét nghiệm tại xã Ba Điền và xã Ba Vinh để phát hiện bệnh sớm điều trị kịp thời không để bệnh nhân tử vong. Đồng thời, tăng cường bác sĩ về trạm y tế để phát hiện sớm ca bệnh và động viên người dân. Phối hợp với các ban ngành đoàn thể duy trì tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất kịp thời và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân an tâm lao động sản xuất. 

MINH KHANG

Tin cùng chuyên mục