Ráo riết ngăn chặn virus cúm A/H7N9

Ráo riết ngăn chặn virus cúm A/H7N9

Dịch bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang nóng lên từng ngày với số người mắc, tử vong liên tục gia tăng. Với việc xuất hiện của virus H7N9 trên người khi trước đó loại virus này được biết tới là một loại virus trên gia cầm khiến tình hình càng nguy hiểm hơn. Mặc dù hiện nay, nước ta chưa ghi nhận bệnh nhân cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ virus này xâm nhập và lây lan là rất lớn khi tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng gia cầm nhập lậu vẫn tràn lan…

  • Chưa biết rõ đặc tính của virus “chết người”

Ghi nhận mới nhất của các cơ quan chức năng, tới nay đã có 20 người Trung Quốc “dính” virus cúm A/H7N9 trong đó có 6 ca tử vong. Đáng lo ngại hơn. Các bệnh nhân mắc bệnh khá đa dạng về độ tuổi, ca bệnh nhân ít tuổi nhất là 4 tuổi và cao nhất là 87 tuổi nên rất khó xác định được tần suất nhóm nào mắc nhiều nhất và cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các trường hợp mắc, tử vong do virus H7N9 đều có triệu chứng viêm đường hô hấp tiến tới viêm phổi và suy hô hấp. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm bệnh nhân mắc đều cho kết quả dương tính với cúm A/H7N9 có nguồn gốc gia cầm nhưng kết quả âm tính với cúm A/H3N2, A/H1N1 đại dịch, H5N1 và chủng mới của virus corona. WHO cũng khẳng định, những trường hợp mắc và tử vong vừa qua do cúm A/H7N9 ở Trung Quốc là trường hợp đầu tiên cúm A/H7N9 xuất hiện và gây bệnh nặng trên người nhưng chưa có bằng chứng virus này lây bệnh từ người sang người.

Nhân viên kiểm dịch y tế theo dõi thân nhiệt khách tại sân bay Nội Bài.

Nhân viên kiểm dịch y tế theo dõi thân nhiệt khách tại sân bay Nội Bài.

Trước mối đe dọa mới này, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nguy cơ virus nguy hiểm này xâm nhập vào nước ta là rất lớn khi việc buôn bán, vận chuyển và giết mổ gia cầm lậu vẫn diễn ra. Không loại trừ ca bệnh nhiễm virus cúm A/H7N9 xuất hiện ngay trong nội địa do sự lây nhiễm virus từ gia cầm nhập lậu. Nguy hiểm hơn, hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm sang người vì chỉ có 5/16 ca nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có tiếp xúc với gia cầm và heo, 11 trường hợp còn lại nguồn lây không rõ ràng.

Hơn nữa, việc cơ quan y tế Trung Quốc tìm thấy loại virus H7N9 trên chim bồ câu khiến nguy cơ virus này bị phát tán rộng rất cao. Cùng với đó, việc chưa xác định được chính xác đâu là nguồn lây gây khó khăn cho công tác đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này. Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, mặc dù chưa có biểu hiện lây truyền từ người sang người nhưng H7N9 vẫn được biết đến là virus đặc dị trên gia cầm vì tính biến chủng, biến dị là đặc tính phổ biến của các chủng virus gia cầm.

Do vậy để ngăn chặn được cúm A/H7N9 đòi hỏi công tác giám sát phải được triển khai tại các cửa khẩu, bệnh viện một cách nghiêm ngặt nhất. Dưới góc độ điều trị, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, qua các tài liệu mới nhất thì bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 ở Trung Quốc diễn biến rất nhanh giống H5N1 với tổn thương phổi rất nặng, vừa có dấu hiệu cúm bệnh nhân đã khó thở.

  • Ra sức phòng, chống

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù hiện nay tại Việt Nam chưa ghi nhận có bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9, nhưng chúng ta không thể chủ quan trước nguy cơ xâm nhập rất lớn của loại virus này. Trước tình thế như vậy, hiện nay, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNN và các bộ ngành chức năng, địa phương đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn cúm A/H7N9.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đơn vị đầu ngành chuyên điều trị các dịch bệnh truyền nhiễm như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện, cho biết, mọi kế hoạch phòng chống, đối phó với dịch bệnh cúm A/H7N9 đã được bệnh viện hoàn tất, với mục tiêu phát hiện sớm nhất ca mắc để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Bệnh viện đã thành lập đội phòng chống dịch lưu động sẵn sàng cho điều động khẩn cấp, ứng phó khi dịch bệnh xảy ra và lập 2 đội cấp cứu chống dịch ngoại viện.

Đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu dung, điều trị và chăm sóc bệnh nhân khi có dịch xảy ra. Hiện nay, bệnh viện đã chuẩn bị 45 giường cấp cứu, 3.000 viên thuốc Tamiflu, 250 khẩu trang kháng virus, 250 trang phục phòng hộ, 23 máy thở, 2 máy lọc máu liên tục và 1 máy lọc máu ngắt quãng. Đặc biệt, bệnh viện đang tập trung xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A /H7N9 để trình Bộ Y tế xem xét và dự kiến sẽ được thông qua ngay đầu tuần này.

Không chỉ tập trung chuẩn bị để kịp thời ứng phó khi có bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 mà việc ngăn chặn, phát hiện sớm loại virus xâm nhập vào nước cũng được tăng cường. Tại các cửa khẩu đường bộ lớn ở biên giới các tỉnh phía Bắc giáp với Trung Quốc như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn… việc kiểm dịch y tế người nhập cảnh được siết chặt. BS Bùi Thị Lộc, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lào Cai cho biết, tại các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai, ngoài việc tăng cường thêm cán bộ kiểm dịch y tế thì còn bố trí lắp đặt máy đo thân nhiệt tự động để kịp thời phát hiện những khách du lịch có thể bị cúm. Lắp các màn hình lớn liên tục phát để tuyên truyền về dấu hiệu nhận biết và cách phòng chống về bệnh dịch H7N9.

Đáng chú ý, tại cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất công tác kiểm tra y tế và sức khỏe hành khách nhập cảnh vào nước ta cũng được tăng cường. Tại Sân bay Nội Bài, 2 máy hồng ngoại đo thân nhiệt của hành khách và những thiết bị khử khuẩn đã được triển khai. Ngay tại sân bay, lực lượng chức năng sẽ giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp có biểu hiện mắc hội chứng cúm để cách ly, chuyển tuyến điều trị theo quy định.

Bộ Y tế đã quyết định thành lập 5 đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại các tỉnh, thành: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Tây Ninh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hải Phòng.

5 khuyến cáo phòng ngừa cúm A/H7N9
 

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

MINH KHANG

- Thông tin liên quan:

>> Tăng cường kiểm dịch cúm A/H7N9 tại sân bay Tân Sơn Nhất

>> Gấp rút phòng chống virus cúm A/H7N9

Tin cùng chuyên mục