2.000 tỷ đồng/năm để điều trị bệnh tan máu bẩm sinh

Theo TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, cả nước hiện có tới 12% dân số mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), tương đương khoảng 13 triệu người. 

Tuy nhiên, tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều. Hiện nay, tại Việt Nam có trên 20.000 bệnh nhân Thalassemia cần phải điều trị cả đời và mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh tan máu bẩm sinh, trong đó có khoảng 900 trẻ không thể ra đời do phù thai và mất ngay từ trong bụng mẹ.

Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cũng cho biết, để điều trị cho bệnh nhân Thalassemia, mỗi năm cả nước cần ít nhất 2.000 tỷ đồng và khoảng 500.000 đơn vị máu. Bệnh tan máu bẩm sinh có 2 biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, cần định kỳ truyền máu và thải sắt đến suốt đời.

Chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân thể nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi hết khoảng 3 tỷ đồng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị biến dạng xương mặt, nhiễm trùng, suy tuyến nội tiết, chậm phát triển, suy gan, sơ gan, suy tim, nguy cơ tử vong cao. Nếu 2 người cùng mang gen bệnh kết hôn với nhau thì tỷ lệ con sinh ra mắc bệnh tan máu bẩm sinh là 25%. Do đó, bệnh Thalassemia hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách xét nghiệm máu trước khi kết hôn để sàng lọc trước sinh. 

Tin cùng chuyên mục