6 người trúng cử ĐBQH có đơn phản ánh đều bảo đảm tiêu chuẩn, đủ tư cách ​

Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 20-7, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 khẳng định, cuộc bầu cử diễn ra trong khó khăn, thử thách, khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. Tuy nhiên, nhờ chuẩn bị chu đáo, cuộc bầu cử lần này có số lượng cử tri đi bầu lớn nhất từ trước đến nay, với 69.523.277 cử tri và tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.939 cử tri (đạt 99,60%).

Cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật trong mọi tình huống phát sinh. Cuộc bầu cử là minh chứng cho thấy càng trong khó khăn, thử thách, lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn và khát vọng vươn lên, vốn là những giá trị cơ bản làm nên sức mạnh Việt Nam, càng được trỗi dậy, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn.

6 người trúng cử ĐBQH có đơn phản ánh đều bảo đảm tiêu chuẩn, đủ tư cách ​ ảnh 1 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QUANG PHÚC

Về công tác xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử được tiến hành chủ động, kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp nhận tổng số 220 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về bầu cử và ứng cử viên, giảm 22% so với kỳ bầu cử trước. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 18% so với kỳ bầu cử trước. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn người ứng cử; làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cấp cơ sở.

Về kết quả bầu ĐBQH khóa XV, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 ĐBQH khóa XV. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV (đạt 99,8%).

Từ kết quả bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành tổng kết, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, địa phương về những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, có hiệu quả trong cuộc bầu cử lần này để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử. Chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do số lượng cử tri có biến động; việc phân luồng, điều tiết để cử tri đi bầu cử theo giờ; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn,…

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất. Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH cần có tiêu chí cụ thể hơn, bảo đảm sát với tình hình thực tế ở địa phương; cần có cơ chế phù hợp để các địa phương được tham gia ý kiến trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV, Phó Trưởng Tiểu ban nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Thanh cho biết, có 499 người trúng cử ĐBQH khóa XV được công bố vào ngày 10-6-2021. Đến ngày 12-7-2021, có 493 người không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh; có 6 người trúng cử ĐBQH có đơn phản ánh.

Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xem xét đơn phản ánh theo đúng quy định của pháp luật và kết luận các đơn phản ánh không đủ điều kiện để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, với tinh thần thận trọng, lắng nghe, để giúp Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định xác nhận tư cách ĐBQH khóa XV đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo Hội đồng bầu cử quốc gia đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ thông tin trong các đơn phản ánh và khẳng định các thông tin nêu trong đơn là không có cơ sở.

Tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo và Tiểu ban Nhân sự đã thống nhất báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc 6 người có đơn phản ánh đều bảo đảm tiêu chuẩn, đủ tư cách ĐBQH khóa XV. Do đó, tất cả các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận 499 người trúng cử đủ tư cách ĐBQH khóa XV.

Tin cùng chuyên mục