89,4% người Syria đồng ý cải cách hiến pháp - Phương Tây có chùn bước?

89,4% người Syria đồng ý cải cách hiến pháp - Phương Tây có chùn bước?

Ngày 28-2, Đài truyền hình quốc gia Syria cho biết có đến 89,4% cử tri Syria tham gia cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 26-2 đã bỏ phiếu tán thành bản dự thảo Hiến pháp mới do Tổng thống Bashar an-Assad đề xuất. Đây là một trong những nỗ lực của Tổng thống Assad nhằm chấm dứt làn sóng biểu tình và bạo lực kéo dài 11 tháng qua ở nước này. Tuy nhiên, trong khi dư luận nhiều nước hoan nghênh bước tiến bộ trên ở Syria thì phe đối lập và phương Tây dường như không dễ từ bỏ mục tiêu của họ.

Người dân Syria bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới.

Người dân Syria bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Hiến pháp mới.

Thông tin về kết quả trưng cầu dân ý đã được Bộ trưởng Nội vụ Syria Mohammad Ibrahim an-Shaar công bố, theo đó, 89,4% tổng số cử tri ủng hộ hiến pháp. Bộ Nội vụ Syria xác nhận bạo lực đã làm gián đoạn hoạt động bỏ phiếu ở một số địa điểm, song cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra bình thường tại đa số các tỉnh thành trên cả nước.

Hiến pháp mới quy định Tổng thống Syria được bầu trực tiếp, sẽ cầm quyền tối đa trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 7 năm. Theo cam kết trước đó, nếu như cử tri Syria thông qua bản hiến pháp này, Tổng thống An Assad sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 90 ngày.

Theo AFP, kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố vài giờ sau khi các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Syria. Trong đó, có việc phong tỏa các tài sản của Ngân hàng Trung ương Syria, cấm nhập cảnh đối với 7 nhân vật thân cận với Tổng thống Al Assad, cấm các chuyến bay chở hàng hóa của Syria tới các nước thuộc EU và hạn chế buôn bán vàng cùng các kim loại quý với quốc gia Trung Đông này.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đã phản ánh sự đồng thuận của người dân về quyết tâm cải cách hệ thống chính trị của chính phủ. Tuy nhiên, dù được dư luận hoan nghênh vì có thể giúp Syria giải quyết được mâu thuẫn nội bộ, ổn định tình hình đất nước, nhưng các phe phái đối lập tại Syria lẫn phương Tây đều bác bỏ. Họ cáo buộc trưng cầu dân ý là giả, cho rằng kết quả này “không đúng sự thật và đã bị bóp méo”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Syria là hoàn toàn không đáng tin cậy. Những động thái này một lẫn nữa gây quan ngại rằng hòa bình khó có thể dễ dàng đến với Syria, khi các thế lực bên ngoài vẫn cố tình chọc gậy, can thiệp nội bộ của quốc gia ở vùng Trung Đông này.

Trong khi phương Tây đang tìm mọi cách để trừng phạt và cô lập chính quyền Syria thì Nga, Trung Quốc và Tunisia tiếp tục lên án mạnh mẽ sự can thiệp của bên ngoài vào công việc nội bộ của Syria. Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên, coi đây là một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho chính quyền.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Mátxcơva đánh giá đây là một bước tiến quan trọng hướng tới cải cách của Chính phủ Syria, nhằm đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ, hiện đại”. Nga cũng một lần nữa kêu gọi tất cả các bên ở Syria ngừng bạo lực ngay lập tức và khởi động một cuộc đối thoại vô điều kiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích phương Tây đang cố áp đặt cái gọi là “một giải pháp” lên người dân Syria. Theo THX, Trung Quốc khẳng định sẵn sàng đóng một vai trò tích cực với tất cả các bên để tìm kiếm một lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria.

Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki cũng tái khẳng định lập trường của Tunisia là phản đối “bất kỳ hình thức can thiệp quân sự nào như chủ trương của Liên đoàn Arập” vào cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria. Ông cũng loại trừ khả năng Tunisia sẽ cung cấp vũ khí cho Quân đội Syria Tự do (SFA) của phe đối lập, vì điều đó “cũng đồng nghĩa với hành động can thiệp nước ngoài và can thiệp quân sự tại Syria”.

Hạnh Chi (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục