Một lần nữa, quân đội Ai Cập đã ra những cảnh báo cho thấy lực lượng này đang “mất kiên nhẫn” với giới lãnh đạo đất nước có nguồn gốc Hồi giáo sau khi họ gián tiếp chỉ trích các chính sách của chính phủ, đồng thời hé lộ khả năng sẽ giành lại quyền lực.
Căng thẳng đã nảy sinh trong bối cảnh nhiều người dân Ai Cập thất vọng về sự chia rẽ của đất nước khi không thể chấm dứt thế bế tắc, giữa một bên là phe của Tổng thống Mohammed Morsi cùng tổ chức Anh em Hồi giáo với một bên là phe đối lập quy tụ hầu hết các lực lượng thế tục và tự do. Ai Cập cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bất ổn ngày càng lan rộng, các loại tội phạm gia tăng và nền kinh tế tiếp tục suy thoái.
Ông Michael W.Hanna, một chuyên gia làm việc cho Quỹ Thế kỷ có trụ sở tại New York, nhận định: “Giới quân đội sẽ không chấp nhận để ổn định quốc gia hay những đặc quyền của họ phải chịu ảnh hưởng từ những rạn nứt trong xã hội hoặc từ một cuộc nội chiến có quy mô. Họ cũng không phải là một lực lượng chịu ngồi yên một chỗ trong khi đất nước bị đẩy tới sát bờ vực nội chiến”.
Bất đồng mới nhất còn xuất hiện khi có thông tin cho rằng Tổng thống Morsi dự định bãi miễn Tướng Abdel-Fattah el-Siss, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh quân đội, do ông này chống lại việc đặt quân đội dưới sự điều hành của chính phủ do tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số. Không chỉ vậy, Tướng el-Siss đã khiến Tổng thống Morsi tức giận khi tháng trước ông tỏ ý cho biết quân đội đã sẵn sàng tham gia chính trường, đồng thời cảnh báo rằng Ai Cập có thể sẽ sụp đổ nếu người ta không thể tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại.
Những gì diễn ra tại Ai Cập cho thấy sau hơn 2 năm lật đổ chính quyền Mubarak, quốc gia này vẫn loay hoay tìm sự ổn định. Tổng thống Morsi nắm quyền từ tháng 6-2012 nhưng những gì ông đã làm thật sự chưa đem lại nhiều chuyển biến cho đất nước, phần vì sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa phe Hồi giáo cầm quyền với quân đội và lực lượng đối lập. Nhưng điều khiến dư luận lo ngại nhất hiện nay là liệu sẽ có bàn tay của Mỹ trong cuộc lật đổ do quân đội khởi xướng hay không?
Theo giới phân tích chính trị Mỹ, Washington có thể sẽ thay đổi cách thức ủng hộ của mình, chuyển hướng từ hậu thuẫn phe đối lập sang ủng hộ giới quân đội. Sự thay đổi “kịch bản” thường thấy của Mỹ có lẽ xuất phát từ tình hình chính trị rối ren diễn ra tại Ai Cập, Tunisia… những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ làn sóng “Mùa xuân Ảrập”. Mỹ ủng hộ phe đối lập ở Ai Cập, Tunisia lật đổ chính phủ hiện hành để tạo ra một chính phủ mới “dễ chịu” hơn. Nhưng rồi những cuộc bầu cử mới ở các nước này lại tiếp tục hình thành một chính phủ mới không thuận lòng theo Mỹ. Và Mỹ buộc lòng phải tính đến những kế hoạch khác.
Mặc dù ông Morsi cam kết sẽ tổ chức bầu cử quốc hội để thành lập chính phủ mới, tuy nhiên, theo giới phân tích, những gì đang diễn ra trên chính trường Ai Cập cho thấy cơn sóng ngầm bất ổn chính trị sẽ không dễ nguôi ngoai khi mà cuộc đấu đá quyền lực tại quốc gia Bắc Phi này được cho là chỉ mới bắt đầu và không dễ có hồi kết. Trầm trọng hơn, nguy cơ lại xảy ra sự lật đổ có chủ đích ở Ai Cập với bàn tay can thiệp từ bên ngoài thực sự vẫn còn lởn vởn trước mắt.
Thanh Hằng