Người dân lên tiếng

Ai cứu nông dân nuôi bò sữa?

Phản hồi bài “Họp nóng” bàn cách tiêu thụ sữa cho nông dân” đăng trên Báo SGGP ngày 14-1.

Không ai không xót xa, tê tái nỗi lòng khi nhìn thấy “hàng trăm tấn sữa bò tươi đổ lênh láng trên đường làng, ngõ xóm, tràn xuống kênh mương”. Công lao chăn nuôi, đầu tư cho đàn bò và mong mỏi những con vật cưng cho nhiều sữa của những người nông dân tỉnh Vĩnh Phúc bỗng chốc đổ ra sông ra biển. Không chỉ có người nông dân trực tiếp nuôi bò điêu đứng, khóc than mà cả các đại lý cũng “xấc bấc xang bang” vì Hanoimilk thông báo cắt giảm thu mua lượng sữa xuống còn 50%. Vì lỡ thu mua thừa hàng tấn sữa tươi, nhiều đại lý ngậm ngùi đổ đi do không có phương tiện bảo quản an toàn.

Dòng sữa tươi hòa quện với nước mắt khiến nhà nhà đau đớn, người người ca thán. Đúng là oan cho người nông dân. Chỉ vì sự nhầm lẫn trong tuyên bố về sữa melamine, Bộ Y tế đã đẩy hàng ngàn hộ nông dân ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào ngõ cụt mất việc làm, trắng tay. Doanh nghiệp lao đao thì người nông dân cũng lao đao theo.

Vì bị thẩm định nhầm nên Hanoimilk bị thiệt hại nặng nề (mất khoảng 40 tỷ đồng do phải tiêu hủy sữa thành phẩm) và hiện không tiêu thụ được sản phẩm do người tiêu dùng quay lưng. Hệ lụy này đang ảnh hưởng dây chuyền đến hàng ngàn hộ nông dân nuôi bò sữa. Tết đang đến gần, nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai cực khổ của người nông dân. Ai sẽ cứu giúp họ đây? Bàn tay hảo tâm của doanh nghiệp nào sẽ giơ ra mua giùm sữa tươi cho những người nuôi bò?

Hướng giải quyết bài toán này xem ra có vẻ tắc tị vì trong cuộc “họp nóng” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 13-1, bàn giải pháp tiêu thụ nhanh sữa bò tươi cho nông dân, các ý kiến hiến kế chưa tìm được địa chỉ “chung lưng đấu cật”.

Đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo yêu cầu các ngành chức năng bắt tay ngay vào việc cứu nông dân nuôi bò sữa, không để họ lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần hơn nữa khi tết đang đến gần. 

TIẾN QUÂN

Tin cùng chuyên mục