Ai thực sự hưởng lợi?

Trong 2 ngày cuối tuần, tại hàng loạt thành phố lớn ở Mỹ đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành quy mô lớn phản đối chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Donald Trump
Vậy ai là người được lợi từ chính sách nhập cư của chính phủ? Rõ ràng không phải những đứa trẻ bị chia tách khỏi cha mẹ. Không phải những người chạy trốn khỏi quốc gia có bạo lực để xin tị nạn. Chỉ một khả năng, là các công ty giam giữ tư nhân.

Trên Washington Post, Alexandra F. Levy, luật sư cao cấp tại Trung tâm Pháp lý về buôn người, cho biết, 2 nhà thầu nhà giam tư nhân lớn nhất ở Mỹ, Tập đoàn GEO và CoreCivic, đang giam giữ hàng ngàn người nhập cư trên toàn quốc. Các công ty này đang đối mặt với cáo buộc ép người nhập cư làm việc không lương trong các cơ sở của họ.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, người nhập cư bị giam đã gửi 5 đơn kiện khác nhau liên quan tới buôn người và lao động cưỡng bức chống lại 2 nhà giam tư nhân này (hồi năm 2014 cũng đã có một vụ kiện tương tự). Các đơn kiện tố cáo GEO và CoreCivic buộc các tù nhân phải dọn dẹp nhà vệ sinh, nhà ở chung không trả tiền và còn đe dọa trừng phạt.

Sylvester Owino và Jonathan Gomez là hai người từng gửi đơn kiện. Theo Owino và Gomez, giữa năm 2005 và 2015, họ đã bị giam giữ vì vi phạm luật nhập cư tại một cơ sở của CoreCivic, gọi là Trung tâm giam giữ Otay Mesa. Trong thời gian bị giam giữ, CoreCivic buộc họ và những tù nhân khác phải cọ phòng tắm, lau cửa sổ và dọn dẹp lau chùi khắp nơi. Tất cả đều bị dọa đánh đập và biệt giam. Giờ đây, họ muốn đòi lại những gì mà họ cho rằng nhà giam còn nợ và cố gắng ngăn CoreCivic thu lợi từ những hành động tương tự trong tương lai.

Các vụ kiện chống lại CoreCivic ở California, Texas và Georgia cũng đưa ra các cáo buộc tương tự, cũng như các vụ kiện chống lại GEO ở California và Colorado. Một nhóm gồm 60.000 người từng bị giam và cả người đang bị giam giữ, cáo buộc GEO cưỡng bức họ lao động. GEO đã bác bỏ mọi cáo buộc. Một phát ngôn viên của CoreCivic cũng tuyên bố công ty không bình luận về vụ kiện đang chờ xử lý, đồng thời vẫn duy trì các chương trình được coi là "hoàn toàn tự nguyện" và tuân thủ các tiêu chuẩn của liên bang.

Tuy nhiên, nếu những cáo buộc này là sự thật, 2 doanh nghiệp này đều vi phạm luật buôn người liên bang, theo đó cấm việc lao động cưỡng bức và phục vụ không tự nguyện. Những đơn kiện này cũng cho thấy các trung tâm giam giữ tư nhân, được giới thiệu như những "người tạo việc làm", đang sử dụng lao động bị giam giữ để tránh tạo việc làm cho công dân Mỹ. Bryan Lopez, luật sư thuộc Trung tâm Luật nghèo đói miền Nam, cũng quan sát và thấy rằng các nhà thầu điều hành các cơ sở này là một trong những người hưởng lợi lớn nhất của lao động không có giấy tờ tại Mỹ.

Tháng 2-2017, một bản ghi nhớ hành chính của nội các ông Donald Trump bị rò rỉ đã tiết lộ chính phủ có kế hoạch tăng hơn gấp đôi số giường trong các trung tâm giữ người nhập cư tại Mỹ từ 34.000 đến 80.000. Đó là tin tốt đối với các công ty giam giữ tư nhân. Điều này được phản ánh qua giá cổ phiếu tăng của họ và lời hứa của các hợp đồng chính phủ trong tương lai. Giờ đây, các đơn kiện cho thấy lợi nhuận mà họ thu được từ những lao động cưỡng bức nhập cư. Và lao động cưỡng bức, ngay cả trong trại giam, theo các luật sư là tội ác.

Tin cùng chuyên mục