
Về nước từ tháng 7-2008, đến nay cuộc sống gia đình và công việc hoạt động nghệ thuật của vợ chồng nghệ sĩ Đào Nhật Quang và Cho Hye Ryong (Hàn Quốc) đã khá ổn định. Cả hai nghệ sĩ được Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM và bạn bè ủng hộ rất nhiều, đó là nguồn động viên tinh thần quý giá, giúp họ làm việc hết mình, đóng góp cho sự phát triển âm nhạc nghệ thuật hàn lâm nước nhà.
Năm đầu về nước nên anh chị còn nhiều việc phải lo như ổn định chỗ ở, nơi làm việc, mở rộng các mối quan hệ. Người Hàn Quốc có thói quen luôn muốn có sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống, nên trong năm qua, gia đình anh chuyển nhà đến ba lần. Hai vợ chồng đã thuê được căn hộ cao cấp ở khu Mỹ Tú 1 – Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, một nơi ở thoáng mát, thoải mái.
Căn hộ rộng rãi này phù hợp cho dự tính mong muốn mời ba mẹ của Cho Hye Ryong từ Hàn Quốc sang ở chung với các cháu, vì hai bé còn nhỏ cần sự thương yêu chăm sóc nhiều từ người thân, trong khi hai vợ chồng Đào Nhật Quang – Cho Hye Ryong luôn tất bật với công việc tại Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, nhận các show diễn, dạy học, thường đi diễn về khuya.
Cuối tháng 9, cả hai vợ chồng cùng tham gia công tác giảng dạy tại Nhạc viện TPHCM, đến tháng 11 này, Đào Nhật Quang được nhà hát cho đi học ở Na Uy.

Vợ chồng nghệ sĩ Đào Nhật Quang - Cho Hye Ryong. Ảnh: L.T.B.
Có thể nói, âm nhạc là niềm đam mê của cả vợ lẫn chồng, cũng chính âm nhạc đã kết nối se duyên cho Đào Nhật Quang và Cho Hye Ryong. Quen và yêu nhau từ khi còn học ở Nga, cả hai đã phải cố gắng thật nhiều để có được nhau trong đời và tạo nên hai thiên thần nhỏ đáng yêu.
Đào Nhật Quang tâm sự: “Tôi luôn coi trọng kiến thức của người phụ nữ. Việc có kiến thức sẽ quyết định giá trị, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội, góp phần chăm sóc con cái tốt hơn… Lúc mới quen Cho Hye Ryong, cô ấy cuốn hút tôi qua tính cách, cách cư xử. Cho Hye Ryong được tiếp xúc nhiều với văn hóa châu Âu nhưng vẫn giữ được nét đẹp của người phụ nữ châu Á: giản dị, biết cách chăm sóc, lo lắng vun vén cho gia đình, là người phụ nữ biết hy sinh vì chồng, con. Tôi thấy may mắn khi có được cô ấy trong đời. Chưa kể, người vợ Hàn Quốc luôn tìm cách để nâng chồng lên, làm chủ gia đình. Nếu ở Hàn Quốc, Cho Hye Ryong có thể phát triển trở thành một giáo sư hay một nhân vật có tên tuổi, địa vị tại Hàn Quốc. Cô ấy đang giảng dạy ở một ngôi trường cao cấp, có mối quan hệ rộng; ba của Cho Hye Ryong – ca sĩ, chỉ huy dàn hợp xướng Acados, TP Busan - Cho Hong Rae, là người có tên tuổi và vị trí trong giới âm nhạc hàn lâm tại Hàn Quốc... Thế nhưng, cô ấy đã bỏ tất cả để theo chồng về Việt Nam”.
Đến nay, ngoài những việc đã làm được, cả hai nghệ sĩ đều ấp ủ nhiều dự định, hoài bão cho sự phát triển âm nhạc nghệ thuật hàn lâm tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Anh Đào Nhật Quang muốn tổ chức các chương trình giao lưu biểu diễn giữa nhạc công Việt Nam và Hàn Quốc. Không chỉ thế, hy vọng các mối quan hệ lúc học ở Nga sẽ giúp anh thực hiện được các buổi giao lưu biểu diễn giữa các nhạc công Nga – Việt… bởi nhạc thính phòng luôn đòi hỏi sự giao lưu để tay nghề được trau dồi, tiến bộ. Anh cũng muốn được học thêm về chỉ huy, đi nhiều để học hỏi trào lưu mới, tìm hiểu cách thu hút khán giả đến với nghệ thuật âm nhạc hàn lâm.
Nỗi ưu tư, mong muốn được truyền dạy kiến thức, kinh nghiệm cho học sinh cũng là niềm trăn trở khôn nguôi của hai nghệ sĩ. Đào Nhật Quang bộc bạch: “Nhờ bố là giảng viên Nhạc viện Hà Nội (nghệ sĩ Đào Quang Tiến) dẫn dắt tôi vào con đường âm nhạc, những người thầy đã bỏ nhiều tâm huyết đào tạo cho tôi có được ngày hôm nay, thế nên tôi rất mong được phục vụ nhiều hơn, góp sức đào tạo những tài năng trẻ cho đất nước”.
Hiện anh đang hướng dẫn cho một dàn nhạc thiếu nhi Hàn Quốc, nghệ sĩ Cho Hye Ryong cũng thành lập dàn hợp xướng gần 40 em (từ 8 đến 12 tuổi) ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Lớp của chị dạy hơn 8 tháng, đã biểu diễn phục vụ công chúng tại Nhà hát Thành phố hồi tháng 4-2009. Đến tháng 12-2009 này, chị sẽ tiếp tục dàn dựng một chương trình biểu diễn phục vụ khán giả.
Nghệ sĩ Cho Hye Ryong tâm tư: “Ở Hàn Quốc, các em học sinh có thể tham gia trong các dàn nhạc thiếu nhi, nhưng ở đây trẻ con Hàn Quốc không có cơ hội được học, biểu diễn, giao lưu, sinh hoạt tập thể, mở rộng sự hiểu biết nghệ thuật âm nhạc. Khi có lớp dạy âm nhạc, các em rất thích và học rất nhanh. Tôi cũng muốn mở thêm lớp dạy nhạc cho học sinh Việt Nam. Trẻ con như cây, luôn cần nước, nghệ thuật âm nhạc hàn lâm như nguồn nước mát, sẽ giúp các em phát triển tư duy, năng khiếu, tính cách...”.
Thời gian qua, Cho Hye Ryong nhận được nhiều lời khen khi chị hát khá truyền cảm những bài hát Việt Nam: Bài ca hy vọng, Con kênh xanh xanh, Tiếng hát từ Thành phố mang tên Người và hiện đang học bài hát Cánh chim báo tin vui. Chị cho biết tiếng Việt học rất khó, nhưng chị yêu thích đất nước và con người Việt Nam, nên luôn muốn học tốt tiếng Việt hơn nữa. Hát những bài hát tiếng Việt cũng là cách chị luyện cho mình cách phát âm chuẩn hơn.
Khi được hỏi “Hiện nay, anh chị mong ước điều gì nhất?”, cả hai nghệ sĩ cho biết: “Muốn được cống hiến nhiều hơn cho nền nghệ thuật âm nhạc hàn lâm nước nhà và hy vọng Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM sẽ khởi công và hoàn thành sớm để các nghệ sĩ, nhạc công có được nơi tập luyện, biểu diễn ổn định”
THÚY BÌNH