
Đến hết năm 2008, ngành tòa án TPHCM còn 561 vụ án tồn, quá hạn giải quyết. Trong đó, số lượng án dân sự tồn đọng lên đến 463 vụ, chiếm tỷ lệ 82,5%. Theo lý giải của lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM, thời gian giải quyết các loại tranh chấp dân sự phải kéo dài, dẫn đến lượng án tồn đọng cao là do tính chất loại án này phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng, đương sự thiếu hợp tác với tòa án, thiếu sự phối hợp của các cơ quan chức năng…
Hoãn phiên tòa do đương sự

Phiên xử phúc thẩm vụ kiện “Trà - Chanh” đã phải hoãn một lần vì vắng mặt đương sự.
Ông Huỳnh Chiến, Chánh án TAND quận Phú Nhuận kể ví dụ: Một gia đình có 4 người con tranh chấp quyền thừa kế căn nhà ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, dù người mẹ vẫn còn sống. Tranh chấp phát sinh, mọi người trong gia đình kéo nhau ra tòa, nhưng điều đáng nói là dù tòa gửi giấy triệu tập nhiều lần, không phiên tòa nào các đương sự có mặt đầy đủ, dẫn đến HĐXX phải hoãn phiên tòa. Vụ việc cứ thế kéo dài nửa năm vẫn chưa giải quyết xong.
Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TPHCM mới đây, bà Hà Thúy Yến – Phó Chánh án TAND TPHCM cũng xác nhận rằng, sự thiếu hợp tác của đương sự là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết các vụ án dân sự.
Bà nói: “Có những vụ tranh chấp liên quan đến mấy chục đương sự – trong đó có nhiều đương sự ở nước ngoài. Theo quy định, đương sự vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Chỉ cần mấy chục đương sự cố tình thay phiên nhau vắng mặt thì vụ án không biết bao giờ mới kết thúc. Ngoài ra, trong nhiều vụ án, đương sự thường xuyên thay đổi yêu cầu hoặc cung cấp chứng cứ không đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động xét xử”.
Thời gian ủy thác tư pháp để nhờ thu thập chứng cứ, tống đạt hồ sơ cho đương sự, triệu tập người làm chứng (đối với các vụ kiện có yếu tố nước ngoài) thực hiện quá lâu cũng khiến cho vụ án bị “ngâm”. Theo lãnh đạo TAND TPHCM, do thủ tục ủy thác tư pháp quá nhiêu khê với các bước dịch thuật, công chứng… nên công đoạn này hiện chiếm thời gian ít nhất là 5 tháng.
Bên cạnh đó, dù Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành, khiến cho việc giải quyết các vụ án càng thêm khó khăn.
Thiếu sự phối hợp
Không chỉ “đối phó” với sự thiếu hợp tác của đương sự, tòa án còn đau đầu vì sự phối hợp chậm trễ – thậm chí không phối hợp – của các cơ quan chức năng.
Lãnh đạo các tòa kể, khi xử các vụ tranh chấp về đất đai, theo quy định thì tòa án phải lập một tổ giám định về giá trị mảnh đất bị tranh chấp gồm thành viên là cán bộ của các cơ quan chức năng có liên quan. Thế nhưng, lấy lý do không có thời gian vì phải giải quyết công tác chuyên môn, các thành viên này thích thì tham gia, không thì thôi. Không có được kết quả giám định, tòa không dám xử, và thế là vụ án bị “treo”.
Hay trong những vụ tranh chấp bức tường giữa hai nhà, tòa án phải nhờ cơ quan chuyên môn làm công tác giám định để đưa ra con số thiệt hại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có Công ty Kiểm định Sài Gòn làm công tác này. Nhưng vì công việc quá nhiều nên nếu rảnh thì công ty nhận kiểm định, không rảnh thì… vui lòng để đó. Vụ án cũng vì vậy mà bị kéo dài từ năm này qua năm khác.
Thẩm phán Trần Nam Bình (TAND quận 3) nêu điển hình một vụ tranh chấp liên quan đến bức tường đã kéo dài hơn 7 năm trên địa bàn quận mà ông vừa thụ lý xong. Tính thời gian từ lúc TAND quận 3 nhờ Công ty Kiểm định Sài Gòn kiểm định lại giá trị bức tường để tính mức phí đến nay đã rất lâu, nhưng vì công ty này có quá nhiều việc, trong khi giá trị thiệt hại của bức tường không lớn nên công ty chưa “ưu tiên” thực hiện kiểm định. Đây cũng là khó khăn chung của ngành tòa án trong việc giải quyết các loại tranh chấp dân sự có liên quan đến xây dựng, nhà đất hiện nay.
Ngoài ra, trong một số vụ kiện, khi tòa án gởi công văn đến các đơn vị hành chính (UBND phường – xã, quận – huyện) đề nghị cung cấp thông tin có liên quan đến vụ tranh chấp để làm cơ sở xem xét vụ việc thì hầu hết các đơn vị này đều cung cấp thông tin rất chậm. Đó cũng là một trong những khó khăn, dẫn đến thời gian giải quyết án kéo dài.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ tranh chấp về dân sự, về hôn nhân và gia đình là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với các vụ tranh chấp về kinh doanh – thương mại, về lao động thì thời hạn là 2 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 2 tháng đối với các vụ tranh chấp về dân sự, hôn nhân – gia đình và không quá 1 tháng đối với các vụ tranh chấp về kinh doanh – thương mại, lao động. |
Ái Chân – Hồng Hiệp