Ấn Độ cảnh báo một tai họa: Mùa thi, mùa... ra đi

Sợ thi hơn sợ... bom
Ấn Độ cảnh báo một tai họa: Mùa thi, mùa... ra đi

Học sinh Ấn Độ đang vào mùa thi nhưng cũng là mùa... tự tử. Báo chí nước này gần đây liên tục thông tin về những vụ học sinh tìm đến cái chết vì chịu sức ép nặng nề phải đạt điểm cao để có thể vào một trường đại học uy tín và có cơ hội kiếm việc lương cao.

Sợ thi hơn sợ... bom

Những ngày tháng 5 này, báo chí Ấn Độ đưa tin hàng loạt vụ tự tử: 2 học sinh nam ở New Delhi treo cổ tự tử, một em do học hành sa sút còn em kia do lo lắng về kỳ thi tiếng Anh; một học sinh lớp 12 ở Allahabad (Bắc Ấn Độ) lao mình vào đoàn tàu đang chạy...

Ấn Độ cảnh báo một tai họa: Mùa thi, mùa... ra đi ảnh 1

Hồi hộp kiểm tra kết quả thi

Samir Parikh, chuyên gia tâm lý tại Bệnh viện Max Healthcare – một bệnh viện tư uy tín ở New Delhi – khẳng định: “Nạn tự tử ở thanh thiếu niên do lo sợ thi cử đã trở thành thảm họa quốc gia”.

Thật nguy hiểm vì điểm số đạt được ở trường được coi là chuẩn mực cho lòng tự trọng của trẻ em. Sức ép quá lớn khiến nhiều trẻ bị mất cân bằng tâm lý. Và những chiếc quạt trần, vốn phổ biến ở Ấn Độ vì thời tiết ở đây nóng, đã thành nơi học sinh... treo cổ.

Theo thống kê chính thức mới nhất, năm 2006  có 5.857 học sinh tự tử do sức ép quá lớn từ các kỳ thi, tức 16 vụ/ngày! Nhưng đó vẫn chưa phải con số chính thức: Cảnh sát Ấn Độ cho rằng hàng ngàn vụ tự tử không được trình báo vì các bậc cha mẹ muốn giữ bí mật nguyên nhân cái chết của con họ.

Trong một nghiên cứu năm 2006, Anuradha Sovani, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Mumbai, nhận xét: Học sinh Ấn Độ hiện nay sợ kỳ thi hơn tai nạn, động đất và cả các vụ... đánh bom!

Giải pháp nào?

Mức độ cạnh tranh để vào các trường đại học ở Ấn Độ rất khốc liệt, do rất ít học sinh được vào các trường thuộc nhóm tốt nhất. Chẳng hạn, điểm trung bình chuẩn vào khoa kinh tế của Đại học Delhi năm 2007 là... 97,8/100.

Ấn Độ chỉ có hơn 10 trường được xếp vào hàng “top”, trong đó có 7 viện công nghệ và 6 trường quản lý. Các trường này chỉ nhận tổng cộng 16.000 sinh viên mới/năm. Theo chuyên gia Parikh, trong những năm vừa qua, điểm chuẩn học sinh cần đạt để vào “trường tốt” thường là từ 90 đến 95/100.

Ngoài ra, các nhà giáo dục cũng thường xuyên chỉ trích các kỳ thi ở Ấn Độ là chú trọng quá nhiều vào trí nhớ thay vì kiểm tra tư duy. Do cách kiểm tra này, khi kỳ thi đến gần, cha mẹ học sinh thường thuê gia sư để “luyện tủ” và nhồi nhét đủ loại thuốc “tăng cường trí nhớ” cho con cái.

Nhiều tờ báo còn mở riêng cả mục giúp học sinh “chiến đấu” với kỳ thi. Cha mẹ nghèo càng phải hy sinh nhiều để con cái được “bằng anh bằng em”. Vì thế, con cái thường cảm thấy gánh nặng quá lớn phải thành công để báo đáp cha mẹ.

Những em không thể vào trường uy tín buộc phải vào trường “hạng hai”, các đại học tư. Nhưng điểm yếu của trường tư là thiếu chuẩn và nhiều trường không được chính phủ thừa nhận. Nhiều gia đình khá giả đành chọn cách gửi con đi du học (khoảng 160.000 em/năm).

Nhà tâm lý Parikh khẳng định: “Phải hướng dẫn cho các bạn trẻ và các bậc cha mẹ những kỹ năng sống để họ hiểu rằng: Điểm số không phải tất cả trong cuộc sống”.

HÀ VY (theo AFP)

Tin cùng chuyên mục